Kết nối văn hóa đọc:

Khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an

09:21 - Thứ Ba, 13/04/2021 Lượt xem: 6259 In bài viết

“Phận liễu” của tác giả Chu Thanh Hương là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến chống buôn lậu ở vùng biên, thông qua khắc họa nhân vật nữ Liễu Tiền Tấn và đối thủ là một chiến sĩ công an. Tác phẩm đã được trao giải A cuộc thi sáng tác viết về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2020 của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Phận liễu".

Nhân vật chính được khắc họa là Lương Thu Liễu, một người phụ nữ nhiều thủ đoạn và đầy bản lĩnh. Làm thế nào để sinh tồn ở vùng biên đầy biến động? Làm thế nào để vượt qua một số phận đầy thử thách, thăng trầm? Để làm giàu chẳng lẽ không có con đường nào khác ngoài buôn lậu? Tranh chấp? Gian lậu? Giành giật lợi ích bất chấp tình người? Hàng loạt câu hỏi đã được bóc tách, trả lời, lý giải về cuộc đời của sơn nữ Lương Thu Liễu và quá trình trở thành bà trùm buôn lậu khét tiếng với biệt danh Liễu Tiền Tấn.

Ở tuyến đối lập với "bà trùm" này, luôn hiểu và cũng là “chướng ngại” to lớn với Liễu Tiền Tấn là Đại tá Cao Xuân Tùng. Đối diện với tội phạm là nữ, có vỏ bọc tinh vi và quyền uy trong cuộc chiến cam go chống lại buôn lậu, phạm pháp, Cao Xuân Tùng đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự gan dạ, quả cảm và nghĩa tình. Anh đại diện cho những người chiến sĩ không lùi bước trước mọi âm mưu, thủ đoạn của những kẻ phạm pháp, những “con sâu làm rầu nồi canh” trong chính hệ thống công quyền... Nhưng sau khi cởi bỏ bộ quân phục công an quay về với đời sống bình thường, anh cũng như những người chiến sĩ khác cũng là những người con, người anh, người chị, người cha, người mẹ tất bật với cuộc sống đời thường, với những nỗi lo toan đời thường về cơm áo gạo tiền, những lựa chọn của bản thân khi đứng trước thử thách của cuộc sống.

Tiểu thuyết là những cuộc chiến cam go chống buôn lậu, là những lần đấu trí, những khúc ngoặt làm thay đổi cuộc đời, số phận của con người. Đây không phải là cuốn sách về bà trùm buôn lậu lừng lẫy nhất miền biên ải, chỉ là câu chuyện về cuộc đời của một người phụ nữ không đầu hàng số phận. Một người phụ nữ dám yêu dám hận, dám làm dám chịu, dám tin tưởng, hy vọng và yêu thương dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.  Tác phẩm thành công khi khắc họa khá rõ nội tâm nhân vật với tình bạn, tình yêu, cắt nghĩa số phận con người bị đưa đẩy theo con đường xấu, trong góc khuất nội tâm để khơi dậy, thức tỉnh lương tri. Bản lĩnh của người chiến sĩ công an nhân dân dường như trong khó khăn, gặp đối thủ càng sừng sỏ bao nhiêu, bản lĩnh càng lộ sáng lấp lánh bấy nhiêu. Bản lĩnh đó càng mang ý nghĩa nhân văn khi khơi gợi cho con người hướng thiện, quay về với tính thiện để xây dựng hạnh phúc mới, bền lâu và tròn đầy.

Tác phẩm cũng thể hiện vốn sống khá phong phú của tác giả-nữ chiến sĩ công an sinh năm 1986 người Tày. Nói về tác phẩm của mình, tác giả Chu Thanh Hương cho biết: “Là một chiến sĩ công an nhân dân, tôi đã được tiếp xúc với các vụ án hình sự một cách đa chiều, khách quan như được gặp cả nạn nhân, thủ phạm. Qua đó mới thấy, không có vụ án nào là dễ dàng. Trong các tác phẩm của tôi, đằng sau cuộc giải cứu những thân phận con người thì cũng sáng lên chiến công của những người chiến sĩ công an. Tôi cũng muốn viết để bạn đọc thêm hiểu về sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ công an trong thời đại mới”.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top