Khán giả cho sân khấu, bắt đầu từ đâu?

15:46 - Thứ Ba, 13/04/2021 Lượt xem: 4586 In bài viết

Đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng nặng nề đến sân khấu, vốn dĩ nhiều năm qua rơi vào vòng xoáy của cơn khủng hoảng khán giả. Nhưng, thay vì ngồi khoanh tay nhìn sân khấu thoi thóp, những người yêu và tâm huyết với sân khấu đang nỗ lực tìm đường. Phải có khán giả sân khấu mới có thể sống.

Một dự án tổng thể về sân khấu thiếu nhi và đào tạo khán giả trẻ cho sân khấu được NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam ấp ủ nhiều năm và chuẩn bị khởi công thực hiện.

Xây dựng chiến lược khán giả

Trong cơn lốc phát triển của các phương tiện nghe, nhìn, sân khấu trở nên lép vế, nếu không nói là bị bỏ lại khá xa. Bài toán khán giả vẫn là bài toán nan giải nhiều năm qua chưa có chìa khóa để mở cho hoạt động sân khấu. Theo NSND Thúy Mùi, chúng ta cứ kêu gào sân khấu khủng hoảng khán giả nhưng thực tế, chưa có một giải pháp cụ thể nào để khắc phục điều đó. 

“Chúng ta mải mê với kịch bản, đào tạo diễn viên, lo lắng về các vấn đề học thuật mà chúng ta bỏ quên khán giả cho sân khấu đang ở đâu. Một vở diễn ra mắt, dù hay đến mấy mà không có khán giả thì cũng không có nhiều giá trị, hay chỉ để anh em trong nghề khen chê với nhau. Thực trạng đắp chiếu của các vở diễn khiến chúng ta đau lòng. Nhìn lại, chúng ta đã làm được những gì cho sân khấu, phải bắt tay vào làm trước khi trách khán giả thờ ơ” - chị nói.

Cần một chiến lược dài hạn để sân khấu cho thiếu nhi không chỉ mang tính thời vụ.

Một đề án tổng thể về sân khấu cho thiếu nhi sẽ được triển khai, để tìm đến gốc rễ của bài toán tìm khán giả cho sân khấu. Theo NSND Thúy Mùi, chúng ta thiếu những sân khấu chuyên nghiệp cho thiếu nhi. Và đây là một chiến lược dài hơi, không phải một sớm một chiều có ngay được kết quả. Thiếu nhi là một đối tượng khán giả tiềm năng của sân khấu. Nếu không nuôi dưỡng, chăm chút tình yêu sân khấu từ lúc các em còn nhỏ thì làm sao lớn lên các em yêu sân khấu được, đặc biệt là sân khấu truyền thống bởi bây giờ có quá nhiều thứ hấp dẫn chi phối đời sống của các em.

Thực tế, nhiều năm qua, sân khấu cho thiếu nhi cũng đã manh nha phát triển nhưng nó mang tính thời vụ, chủ yếu phục vụ thiếu nhi vào các dịp lễ tết như rằm Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi. Những ngày đó, sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Múa rối Trung ương tấp nập các suất diễn. Xong thì lại đóng cửa chờ dịp lễ. Điều đó, theo NSND Thúy Mùi, vẫn chưa tạo được sự cộng hưởng chung để giúp sân khấu phát triển mà vẫn chỉ là câu chuyện mang tính thời vụ. 

Tín hiệu vui là 2 năm qua, Sân khấu Lệ Ngọc, một đơn vị xã hội hóa đã có những kịch mục dành riêng cho sân khấu thiếu nhi, họ dàn dựng các vở như “Chí Phèo - Thị Nở”, “Dế mèn”, “Làm vua”... và có lịch diễn thường niên. Nhưng, “một cánh én không làm nên mùa xuân”, điều NSND Thúy Mùi kỳ vọng là tạo ra một sự thay đổi toàn diện và tổng thể về sân khấu thiếu nhi trong thời gian tới. Nhìn một cách dài hạn, chúng ta sẽ đào tạo được một lượng khán giả cho nghệ thuật sân khấu và hơn nữa, nó còn có giá trị trong việc tạo nền tảng hiểu biết về văn hóa, truyền thống cho các em.

Sân khấu Lệ Ngọc là một điểm sáng cho sân khấu thiếu nhi hiện nay.

Trong đề án này, Hội Nghệ sĩ sân khấu tiên phong từ xây dựng lộ trình và thực hiện. “Chúng tôi cần sự vào cuộc của các loại hình nghệ thuật và những người làm nghề, phải làm một cách đồng bộ và không tự phát. Mỗi thể loại có một đặc trưng riêng, chèo, tuồng, cải lương, kịch nói đều phải được dàn dựng theo chuẩn mực. Khi dàn dựng tác phẩm xong, chúng ta có thể giới thiệu từng loại hình nghệ thuật cho các cháu, những ngày nghỉ, hè và học ngoại khóa, đến xem tại rạp. Đó chính là cách xây có gốc rễ, tôn trọng các giá trị tinh hoa và góp phần bảo tồn nó. Tôi tin, với cách làm này sẽ mang đến cho sân khấu một sức sống mới. Chúng tôi sẽ thông báo cho các tác giả để phát động cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi, tầm tháng 5-6 khi có tác phẩm, chúng tôi sẽ gửi cho các đơn vị thông báo về liên hoan các vở diễn về đề tài thiếu nhi” - nghệ sĩ Thúy Mùi cho biết. 

Theo chị, nếu chủ động tổ chức và thực hiện, các nhà hát sẽ luôn có kịch mục dành cho thiếu nhi. Không chỉ ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà các nhà hát ở địa phương cũng có thể chủ động tạo sân chơi mới cho mình. Một cuộc liên hoan toàn quốc về sân khấu cho thiếu nhi sẽ được tổ chức để kích hoạt các hoạt động sáng tác, biểu diễn cho các nhà hát trong cả nước. Nhưng, tổ chức cuộc thi như thế nào để có hiệu quả, đó là trăn trở của những người cầm cân nảy mực cho sân khấu hiện nay. Bởi nhiều năm qua, tình trạng các tác phẩm dự thi xong về đắp chiếu rất phổ biến và khán giả cũng ít có cơ hội được thưởng thức tác phẩm vì không có lịch diễn đều đặn.

“Các đơn vị cần xác định đây là một mảng quan trọng, dần dần chúng ta sẽ chuyên nghiệp hóa các tác phẩm sân khấu phục vụ thiếu nhi. Sẽ khó để có một sân khấu thường niên cho thiếu nhi nhưng trong kịch mục của các nhà hát ở các loại hình khác nhau sẽ có các tác phẩm cho thiếu nhi bên cạnh sản phẩm cho người lớn. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật tỉnh, thành cũng nên chú trọng. Phải từ nhận thức của người làm nghề, đến quản lý nhà nước và hơn nữa, ở mảng thanh, thiếu niên, nhi đồng cũng cần vào cuộc để tạo ra sân chơi cho các con” - NSND Thúy Mùi khẳng định.

Rõ ràng, thiếu nhi là một đối tượng tiềm năng của sân khấu, cả hiện tại và tương lai. Nếu từ nhỏ, chúng ta nuôi dưỡng được tình yêu sân khấu cho trẻ thơ, chắc chắn sau này, một phần lớn trong các em sẽ có thói quen thưởng thức văn hóa nghệ thuật, từ đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa trong thời buổi các em rất dễ bị chi phối và mất phương hướng bởi những giá trị ảo đang lan tràn trên mạng xã hội. 

Những nỗ lực tìm hướng đi từ các nhà hát

Bên cạnh một chiến lược đồng bộ để đào tạo khán giả trẻ cho sân khấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu, các nhà hát cũng đang nỗ lực thay đổi để tiếp cận khán giả. Mới đây, Nhà hát Tuổi trẻ khởi công dàn dựng vở nhạc kịch mang tên “Sóng”, một dự án lớn trong năm 2021 mà theo NSƯT Sỹ Tiến, đến bây giờ mới có đủ cơ duyên để làm. Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức casting để tìm diễn viên cho vở diễn lớn này. 

NSƯT Sỹ Tiến chia sẻ: “Khán giả thưởng thức nghệ thuật bây giờ rất tinh nên chúng tôi phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu của họ. Nhạc kịch không còn mới lạ trên thế giới nhưng đó là một món ăn mới ở Việt Nam, cao cấp, cần được đầu tư kỹ lưỡng, bài bản. Chúng tôi sẽ làm một vở nhạc kịch của Việt Nam, mang đậm màu sắc văn hóa Việt. Tôi hy vọng, đây là một hướng đi mới của nhà hát trong nỗ lực đi tìm khán giả của mình”.

Vở “Cây gậy thần” kết hợp giữa xiếc và cải lương được khán giả đón nhận tích cực.

“Sóng” sẽ kể câu chuyện về thân phận người phụ nữ với những khát vọng về tình yêu, sự tự do và giấc mơ giải phóng bản thể. Thực tế, trước đó, Nhà hát Tuổi trẻ đã cháy vé với vở nhạc kịch dành cho thiếu niên “Trại hoa vàng”, sắp tới, vào dịp 1-6 này, đạo diễn Ánh Tuyết tiếp tục cho ra mắt vở nhạc kịch “Thiên nga” phục vụ thiếu nhi. Việc tạo ra những món ăn mới, hấp dẫn, đa dạng mà vẫn đảm bảo chất lượng nghệ thuật ở mức cao là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng thị hiếu của khán giả thời nay, đó cũng là nỗ lực thay đổi để lấy lại thị phần khán giả cho sân khấu trong thời điểm khó khăn. 

Những tín hiệu vui của khán giả từ hai vở diễn “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và “Trại hoa vàng” cho thấy, khán giả không thờ ơ với sân khấu và nhạc kịch là một mảnh đất hứa hẹn cho các nhà hát. “Đó cũng là một thách thức đối với những người làm nghề, đạo diễn trẻ Triều Dương học ở Anh về sẽ đảm nhiệm vai trò đạo diễn trong vở mới này của nhà hát, hy vọng sẽ mang đến hơi thở mới, trẻ trung cho sân khấu”, NSƯT Sỹ Tiến chia sẻ.

Cùng với nỗ lực đổi mới đó, mới đây, Nhà hát Cải lương Việt Nam mạnh dạn tiếp tục dự án sân khấu thể nghiệm kết hợp giữa cải lương và xiếc, vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Theo NSND Triệu Trung Kiên, đó là một nỗ lực tìm hướng đi mới cho cải lương. Nhiều năm qua, cải lương đã không ngừng tìm tòi, đổi mới. Trước đó, cải lương có những cuộc phá cách kết hợp với rối trong vở “Ngạ quỷ”, với xẩm, chèo trong “Ngàn năm mây trắng”, với xiếc trong “Cây gậy thần”. Sân khấu nói chung vốn dĩ rất khó khăn, cải lương càng khó khăn gấp bội trong hành trình đi tìm khán giả.

“Phải bắt tay làm thôi. Đổi mới lúc nào cũng khó khăn nhưng đổi mới hay là chết? Sân khấu phải vận động theo thời cuộc. Hy vọng sự tung hứng của xiếc kết hợp với ca cải lương lần này trên sân khấu vuông sẽ tạo ra sự hấp dẫn, lôi kéo khán giả đến rạp. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ của khán giả, đó cũng là cách lôi kéo khán giả của các loại hình nghệ thuật khác đến với cải lương” - Giám đốc Nhà hát Cải lương chia sẻ. 

Vở diễn được xây dựng trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - vị đệ nhất Thánh Mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam. Những huyền tích ấy đã ăn sâu, bám rễ trong tâm thức của nhiều thế hệ người dân Việt, vừa thấm đẫm chất thơ vừa chuyển tải những triết lý nhân sinh cao đẹp. Sự kỳ ảo của sân khấu, sự bay bổng của xiếc kết hợp với các giọng ca, tiếng đàn sẽ mang đến một tác phẩm mang sắc màu mới cho khán giả.

Rõ ràng, sân khấu cần những nỗ lực đổi mới quyết liệt để giải quyết bài toán “khủng hoảng” khán giả từ nhiều năm nay. Đây không phải là bài toán của một sớm một chiều mà cần sự bền bỉ, lâu dài, sự vào cuộc của các loại hình, các ban, ngành để những giá trị của thánh đường sân khấu được trở lại với khán giả.

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top