Nhiều ý nghĩa trong lễ Njus sur dòng họ Mùa xã Tỏa Tình

12:04 - Thứ Bảy, 04/09/2021 Lượt xem: 5491 In bài viết

ĐBP - Bao đời nay, dòng họ Mùa dân tộc Mông trắng ở bản Tỏa Tình, xã Tỏa Tình, (huyện Tuần Giáo) duy trì lễ Njus Sur (lễ cầu an). Đây là lễ gắn liền với sự xuất hiện của dòng họ Mùa, bởi vậy việc bảo tồn lễ hội luôn được các trưởng dòng họ ở Tỏa Tình đặc biệt coi trọng, tổ chức hàng năm.

Nghi thức trong lễ Njus Sur ở bản Tỏa Tình, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo. Ảnh tư liệu

Trong tiếng Mông, Njus có nghĩa là “bắn”, “giết”; Sur là “quái vật” đại diện cho một thế lực chuyên gây tai họa cho dòng họ Mùa. Lễ  Njus Sur nhằm xua đi những gì có hại cho dòng họ và mong những điều may mắn, tốt lành sẽ đến với dòng họ trong năm tới. Theo lời kể của già làng, người cao tuổi ở bản Tỏa Tình: Trước đây bản Toả Tình có tên “Ta Tiến”. Ở khu vực này trước đây có một khe nước rất lớn, có rất nhiều ong. Người Thái ở bản Chăn, xã Quài Nưa thường tới đó lấy măng, rau rồi đặt cho cái tên Ta Tiến. Khi người Mông di cư đến bản này phiên âm không chuẩn đã đọc lệch thành Tủa Tình. Dòng họ Mùa phát triển và đến nay sinh sống ở nhiều địa bàn trên toàn tỉnh nhưng tại bản Tỏa Tình bản sắc văn hoá dân tộc, dòng họ còn mang đậm dấu ấn nhất. Đặc biệt với lễ Njus Sur, được tiến hành vào ngày 27/7 âm lịch hàng năm. Đã là người dòng họ Mùa thì dù đi đâu cũng luôn nhớ đến ngày này để về. Quá trình tổ chức còn kết hợp với sinh hoạt dòng họ, kiểm điểm đánh giá toàn diện trong một năm, dạy bảo nhau nâng cao tinh thần đoàn kết, đó là việc làm không phải dòng họ nào cũng thực hiện được. Ngoài ra, mục đích lễ tục ngày nay còn nhằm để những người con của dòng họ gặp lại nhau sau một năm, cùng vui chơi các trò chơi truyền thống của dân tộc mình.

Việc chọn gia đình làm lễ được tiến hành từ ngày làm lễ của năm trước, sau khi làm lễ xong thì họp sinh hoạt dòng họ rồi chọn gia đình làm lễ cho năm tiếp theo. Ông Mùa Giống Dình, bản Toả Tình cho biết: Lễ Njus Sur từng được diễn ra tại gia đình tôi, thầy mo là người chủ trì việc hành lễ giúp cho dòng họ hoàn thành việc cầu khấn. Chiều ngày 26/7 âm lịch (trước lễ chính một ngày) các thành viên của gia đình đi xa đã trở về đông đủ, chuẩn bị cho nghi thức lễ. Trong ngày lễ chính không sát sinh, thực phẩm gia đình chủ lễ phải chuẩn bị từ hôm trước, mổ một con lợn khoảng 60kg, làm lễ một con bò làm thức ăn cho cả dòng họ. Điều đáng chú ý ở lễ Njus Sur là không có sự phân biệt giới tính, nam và nữ đều có quyền tham gia lễ như nhau, đó là một điểm khác so với nhiều dòng họ, dân tộc khác. Nghi thức sinh hoạt dòng họ được tổ chức mang tính nhân văn sâu sắc. Nhờ có buổi sinh hoạt dòng họ mà các thành viên ở các địa phương khác về tụ họp có điều kiện tâm sự, giao lưu, trao đổi tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên. Mọi người bảo nhau chịu khó làm ăn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dòng họ mình, khuyên răn con cháu, vợ chồng phải hoà thuận, biểu dương những gia đình làm ăn giỏi, những gia đình nuôi dạy được nhiều con đi học cao. Các gia đình nuôi dạy con, cháu có kết quả học tập tốt truyền kinh nghiệm cho các gia đình khác và nhắc nhở các cháu luôn giúp đỡ nhau học tập. Còn gia đình nào có kinh nghiệm trong việc làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì truyền lại kinh nghiệm làm ăn cho các gia đình còn yếu, kém.

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, tù lu, hát làm dâu, hát ống...) không chỉ có các thành viên trong dòng họ mà thu hút cả người trong dòng họ khác tham gia sôi nổi. Qua đó, mọi người có ý thức rèn luyện sức khoẻ và giữ tinh thần lạc quan trong sáng; các thành viên trong cộng đồng dân cư giao lưu vui vẻ, gắn kết, đùm bọc nhau trong cuộc sống.

Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top