Tản văn

Lán nương - mảnh hồn Tây Bắc

08:49 - Thứ Năm, 14/10/2021 Lượt xem: 3890 In bài viết

ĐBP - Ai đã từng đến Tây Bắc du lịch, đi công việc... chắc đã vài lần nhìn thấy lán nương. Có lẽ mọi người đều hiểu đơn giản đó là chiếc chòi canh nương, nhưng với chúng tôi - những người con sinh ra và lớn lên ở Tây Bắc, thì lán nương luôn là nơi lưu giữ rất nhiều tình cảm thiêng liêng, trìu mến.

Lán nương có thể nằm chênh vênh như cái tổ chim bên sườn đồi, cũng có thể như cái nấm cô độc mọc lên giữa thung lũng xanh màu lúa ngô, khoai, sắn, hoặc nằm thơ mộng bên bờ ao, bờ suối soi mình dưới làn nước trong xanh.

Địa hình miền núi thường cheo leo hiểm trở. Để có lối lên nương, người dân tự phát cây, phát lau sậy, bẩy đá để đi, đi lâu tạo thành một đường mòn nhỏ đặt vừa đôi bàn chân. Nương rất rộng, lại ở xa nhà, nên nhà nào có nương, có ao ở xa đều dựng một cái lán để tránh nắng, tránh mưa và nằm nghỉ đôi chút cho lại sức khi công việc nương rẫy bận rộn khiến cơ thể mệt mỏi. Khi vào mùa gieo trồng, mùa thu hoạch, nhiều gia đình còn ở trên lán nương cả tuần, có khi nửa tháng, để tiện trông coi một khoảng nương rộng, đuổi những con vật phá hoại cây trồng.

Ngày nay, lán nương dựng lên chủ yếu để nghỉ ngơi và trông người lấy trộm, đuổi chim, đuổi trâu bò thả rông đến phá. Ngày xưa chẳng ai lấy của ai, có sức khỏe đất rừng mênh mông cứ phát một quả đồi, đợi cây cối lau lách khô vun vào đốt, mưa xuống gieo hạt, cũng chẳng cần bón phân, chỉ làm cỏ 1, 2 lần rồi đến mùa thu hoạch. Giờ thì đất đai có hạn, người ngày càng đông, nương đồi dần cằn cỗi... Muốn lúa cho hạt, ngô sai bắp phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ, bao thứ tốn tiền, vậy mà nhiều khi vẫn mất mùa, rồi lại phải trông coi kẻo người tham, người lười, kẻ nghiện chỉ chờ sơ hở là ăn trộm.

Lán nương cũng là nơi trú ngụ bình yên của tuổi già. Nhiều đôi vợ chồng già muốn có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Đôi vợ chồng già nhường nhà to đầy đủ tiện nghi cho con cháu, rủ nhau ra lán nương, lán ao ở. Cả đời làm lụng vất vả thu vén cho con, lúc về già muốn sống thảnh thơi, đạm bạc hòa mình với thiên nhiên, sống cho riêng mình.

Đi bộ chừng ba giờ theo đường mòn nhỏ rậm rạp, lên dốc, lên dốc liên tục tôi và cái San cũng lên đến lán nương nhà nó. Đã đầu tháng Mười, lán nương dường như cũng nhuộm sắc vàng của đồi ngô đã sắp tới kỳ thu hoạch. San bảo “Ngô mới chắc hạt chưa thu, đợi khi nào cây ngô khô hẳn xám đen vào, nhẹ bỗng, mới bẻ bắp”.

Bước lên cầu thang nhỏ, ngả mình trên sàn tre, tôi có cảm giác như nằm giữa mênh mông núi đồi, bỏ lại cuộc sống vội vàng, ồn ào, bon chen đầy lo lắng sau lưng, còn gì thú vị bằng. Tôi đã rất nhiều lần được trải nghiệm cảm giác đó. Khi chỉ còn mình đối diện với mình, lắng nghe hơi thở của cỏ cây, của đất, nghe gió thủ thỉ kể chuyện, gió mang đến cho tôi mùi hương của cả mảnh nương đang vào vụ, mùi nhựa cây hăng hắc từ cánh rừng đang tranh thủ từng phút tái sinh. Nghe tiếng côn trùng rả rích, tôi chợt thấy tâm hồn mình chìm vào cõi an yên.

Tôi và cái San đi qua một vạt nương bỏ hoang mọc đầy lau sậy, hai đứa đều nhìn thấy cái lán nương của nhà hàng xóm đã bị thời gian, mưa nắng đánh gục.

Ngày nay khi đất đai đã bạc màu, rất nhiều nương đồi bị bỏ hoang, chủ của chúng chán cảnh quanh năm đầu tắt mặt tối, cuốc nương, phát cây cùn cả dao, mòn vẹt lưỡi cuốc mà mãi nghèo. Người còn sức lao động bỏ xuống thành phố, vào làm công nhân ở các khu công nghiệp lớn, hoặc đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng khắp nơi trong nước từ Bắc vào Nam, có người còn vượt biên trái phép, hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, mong kiếm được tiền nhanh và nhiều hơn để đổi đời.

Bao năm trôi qua, lán nương vẫn như “cái hồn” của người dân vùng cao.

Bước vào cái lán nương nhỏ bé bạc phếch nắng mưa để thêm thương những mảnh hồn Tây Bắc nhân hậu thủy chung mà luôn hào phóng như nước suối đầu nguồn tưới xanh vườn, ruộng suốt cả bốn mùa.

Mỹ Hạnh
Bình luận
Back To Top