Phim chiếu rạp trở lại trong sự thích ứng mới

14:56 - Thứ Hai, 18/10/2021 Lượt xem: 3846 In bài viết

Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả là cơ sở để nhiều địa phương đưa một số hoạt động văn hóa dần trở lại. Từ đầu tháng 10, hệ thống rạp chiếu phim của một số doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh của khán giả.

Nhiều đơn vị sản xuất phim và kinh doanh phòng vé cũng mong muốn có thêm cơ chế để được hoạt động trở lại, thích ứng trong điều kiện mới.

Thành lập tổ an toàn phòng, chống Covid-19 tại tất cả các rạp

Đầu tháng10, Lotte Cinema mở 3 rạp đầu tiên tại Tuyên Quang, Việt Trì (Phú Thọ), Bắc Ninh. Các rạp hoạt động theo khung thời gian 17-21 giờ (từ thứ hai đến thứ năm) và 13-21 giờ (từ thứ sáu đến chủ nhật). Hệ thống rạp CGV Vincom Thái Nguyên; CGV Vincom Hạ Long, CGV Vincom Cẩm Phả (Quảng Ninh) và CGV Vincom Yên Bái mở cửa cụm rạp từ 14 đến 22 giờ các ngày trong tuần và 10-23 giờ ngày cuối tuần. Danh mục phim chiếu tại các rạp hầu hết là phim cũ: “Bố già”, “Mortal Kombat”, “Godzilla Vs. Kong”, “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Gái già lắm chiêu V”, “Lật mặt: 48h”...

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại các cụm rạp khi mở cửa được đưa lên hàng đầu. Bà Diệu Linh, đại diện truyền thông của Công ty TNHH CJ Việt Nam cho biết, hệ thống rạp CGV áp dụng triệt để nguyên tắc "5K" theo hướng dẫn của Bộ Y tế: Khử khuẩn bề mặt và xịt khử khuẩn cho rạp hằng ngày bằng các thiết bị chuyên dụng, trang bị đầy đủ dụng cụ khử khuẩn cho nhân viên và khách hàng, đo thân nhiệt trước khi vào rạp, khuyến khích khách hàng đặt vé trực tuyến và sử dụng vé xem phim điện tử để hạn chế tiếp xúc... Đồng thời, CGV cũng áp dụng các biện pháp giãn cách tại khu vực sảnh rạp phim và trong phòng chiếu theo đúng quy định để bảo đảm an toàn và sức khỏe cho nhân viên cũng như khách hàng. Hiện nay, 100% nhân viên làm việc tại rạp đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 ít nhất một mũi, test nhanh thường xuyên... CGV cũng đã thành lập tổ an toàn phòng, chống Covid-19 tại tất cả các rạp để phản ứng nhanh trước các sự cố khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Hệ thống rạp Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) chờ được mở cửa trở lại. Ảnh: Danh Dương

Ông Lê Hoàng Minh, đại diện hệ thống rạp BHD Star thông tin, TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách là điều rất vui đối với người dân và doanh nghiệp tại thành phố, nhưng với các rạp phim vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Theo ông Minh, năm 2020, doanh thu của rạp chiếu BHD giảm 70% so với trước sau những lần đóng cửa kéo dài. Đến năm nay, các rạp tiếp tục đóng cửa. Việc đóng cửa kéo dài đã khiến tài chính của cụm rạp cạn kiệt, doanh thu bằng 0; trong khi đó, công ty vẫn phải lo trả lương cho nhân viên, đối mặt với vấn đề nhân sự rời đi để tìm công việc mới; chi phí bảo dưỡng trang thiết bị phòng chiếu...

Cũng theo đại diện nhiều rạp chiếu phim lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đơn vị hầu như đã kiệt quệ về tài chính, nợ đọng ngân hàng. Do đó rất mong muốn Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được mở cửa trở lại vào tháng 11 tới và không bị đánh đồng với các loại hình dịch vụ khác như karaoke, bar... bởi đây là ngành kinh doanh mang lại nhiều giá trị văn hóa, tinh thần cho người dân. Doanh nghiệp cam kết sẽ luôn tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Xin cơ chế thích ứng trong tình hình mới

Theo đại diện BHD, nếu hệ thống rạp chiếu phim được mở cửa trở lại vào tháng 11 sẽ đón đầu nhiều thuận lợi: Nhiều phim “bom tấn” của Hollywood đã được ra mắt ở thị trường nước ngoài; các nhà phát hành tại Việt Nam cũng chuẩn bị sẵn nhiều nguồn phim hay, tốt để trình chiếu, cũng như các dự án phim cho mùa Tết 2022 được triển khai kịp tiến độ. Còn nếu buộc phải đóng cửa đến tháng 1-2022, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Điều tất yếu, nguồn phim và chương trình truyền hình nội địa sẽ không đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân, từ đó dẫn đến nguy cơ ngành điện ảnh, truyền hình Việt Nam lệ thuộc vào nguồn phim và chương trình truyền hình nước ngoài.

Đại diện của Công ty Cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy) và CGV đều cho biết, các đơn vị này đã sẵn sàng nhập những bộ phim “bom tấn” hấp dẫn để công chiếu trong thời gian tới khi hệ thống rạp mở cửa trở lại như: “A Quiet Place 2”, “Fast & Furious 9”, “No Time To Die”... Bên cạnh đó, nhiều phim của Việt Nam cũng đang mong ngóng được hội ngộ khán giả như: “Bẫy ngọt ngào”, “Rừng thế mạng”, “Người lắng nghe”, “578: Phát đạn của kẻ điên”... Để thích ứng trong tình hình mới, CGV mở rộng nội dung trực tuyến như phát triển các video series về nhiều chủ đề khác nhau trên kênh YouTube. So với hoạt động chiếu phim, dù doanh thu từ các chương trình mới này cũng không quá lớn nhưng góp phần duy trì kết nối của khán giả với điện ảnh và hệ thống rạp chiếu.

Mới đây, 20 công ty sản xuất phim đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được phục hồi sản xuất từ ngày 15-10-2021. Trong công văn gửi Thủ tướng, các công ty sản xuất phim nêu rõ họ không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. Các doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng như: Thu hẹp quy mô sản xuất, 100% nhân sự tham gia công việc được tiêm vaccine và xét nghiệm âm tính, thực hiện xét nghiệm PCR gộp theo nhóm 10 người, test nhanh từng người 7 ngày/lần.

Về mặt giải pháp hỗ trợ, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, cục đang cân nhắc để sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, mọi việc ổn định sẽ có giải pháp kích cầu, thu hút khán giả trở lại với rạp chiếu.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top