Đáp ứng tốt hơn nhu cầu bạn đọc

08:44 - Thứ Năm, 21/10/2021 Lượt xem: 4271 In bài viết

ĐBP - Xã hội càng phát triển, nhiều loại hình văn hóa nghe, nhìn phong phú, đa dạng làm cho việc tìm kiếm các thông tin về đời sống, xã hội… trở nên dễ dàng hơn; nhất là trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận tầm quan trọng của văn hóa đọc truyền thống. Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, hệ thống thư viện tỉnh luôn đổi mới, sáng tạo, chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn sách báo phục vụ bạn đọc.

Giáo viên Trường Tiểu học Noong Luống (huyện Điện Biên) hướng dẫn học sinh đọc sách tại thư viện trường học.

Xác định công tác xây dựng vốn tài liệu là nhiệm vụ quan trọng để thu hút độc giả, cùng với nguồn kinh phí được cấp, hàng năm, hệ thống thư viện trong tỉnh, đặc biệt là Thư viện tỉnh tranh thủ sự hỗ trợ bằng sách từ các cơ quan Trung ương, tiếp nhận các nguồn tài liệu của cá nhân, tổ chức, nhà sách, nhà xuất bản tài trợ. Sách ở các thư viện được bổ sung theo nguyên tắc: Tăng đầu sách, giảm bản sách, ưu tiên những đầu sách có giá trị phù hợp với yêu cầu bạn đọc hiện tại để lưu trữ thông tin sử dụng lâu dài, tăng cường sưu tầm, bổ sung các đầu sách thuộc lĩnh vực địa chí, văn hiến và tài liệu điện tử. Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh luôn lựa chọn, bổ sung kịp thời những cuốn sách, báo, tạp chí có nội dung chính trị, văn hoá, nghệ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Từ đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã bổ sung gần 3 nghìn bản sách, báo, tạp chí; nâng số vốn tài liệu có trong các kho sách của thư viện trên 125.000 bản. Đối với thư viện cấp huyện, hiện có gần 80.000 bản sách.

Ông Mai Thế Mạnh, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, căn cứ điều kiện thực tế, Thư viện tỉnh đã xây dựng phương án làm việc, phục vụ bạn đọc phù hợp nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, trong đó, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng dịch; thường xuyên khử trùng, vệ sinh các kho sách, phòng đọc; bố trí đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại các địa điểm phục vụ bạn đọc; yêu cầu bạn đọc đến đọc sách tuân thủ nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế và đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn…

Theo ông Mai Thế Mạnh, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc có thể sử dụng thư viện và tìm kiếm thông tin có hiệu quả nhất, cùng với việc duy trì hình thức mượn, đọc cá nhân, thư viện khuyến khích cho mượn sách theo các đơn vị tập thể đối với các lực lượng vũ trang, các đơn vị trường học; tổ chức tặng sách hạt nhân và luân chuyển sách cho thư viện các đồn biên phòng, trại giam, thư viện cấp huyện; cấp thẻ đọc miễn phí các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; phục vụ có hiệu quả xe ô tô lưu động thư viện đa phương tiện; giới thiệu các loại sách, báo, tạp chí… trên phương tiện truyền thông, cổng thông tin điện tử của đơn vị; đồng thời duy trì hoạt động phòng truy cập internet miễn phí do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ. Với những cách làm linh hoạt, đầu năm đến nay, Thư viện tỉnh đã cấp gần 2.000 thẻ bạn đọc, trong đó, số thẻ thiếu nhi hơn 1.300 thẻ. Số lượt bạn đọc sử dụng thư viện gần 90.000 lượt; số lượt sách luân chuyển về cơ sở trên 150.000 lượt.

Cùng với hệ thống các thư viện, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, tình hình dịch bệnh Covid-19 từng thời điểm, ngành Giáo dục và Đào tạo đã linh hoạt, phát huy giá trị thư viện trường học, tủ sách trường học hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc, tìm kiếm vốn trí thức của học sinh. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các trường lựa chọn những đầu sách hay, có ý nghĩa giáo dục xây dựng mô hình thư viện, tủ sách thân thiện… gắn liền với các hoạt động như xây dựng nội quy quy định của nhà trường, hướng dẫn học sinh viết cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách, tổ chức thiệu, đánh giá, nhận xét sách. Tổ chức liên kết, trao đổi sách, truyện giữa các trường trên cùng địa bàn để làm phong phú nguồn sách, truyện trong thư viện trường. Phối hợp với Thư viện tỉnh để mượn sách truyện cho giáo viên và học sinh các trường phổ thông; ngoài ra, các trường cũng chủ động phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ học sinh, các đoàn thể, cán bộ giáo viên trong công tác xã hội hóa thư viện... Với cách làm như vậy, đến nay, hoạt động đọc sách trong học đường ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực: 100% trường học có thư viện với vốn tài liệu phù hợp, trong đó 60% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có thư viện đạt chuẩn theo quy định.

Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: Việc đọc sách cũng là hoạt động giáo dục rất quan trọng. Do vậy, hàng ngày, ngoài việc học sinh tự đọc sách sau mỗi giờ ra chơi, cuối giờ mỗi buổi học thì nhiều trường còn tổ chức mỗi tuần 1 tiết đọc sách thư viện để các em có cơ hội được trao đổi, học tập nâng cao kiến thức, hình thành nhân cách. Ngoài ra, để thu hút, khuyến khích học sinh đam mê, hiểu được giá trị của việc đọc sách, hàng năm, các nhà trường cũng tổ chức ngày hội đọc sách để hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Tuần lễ học tập suốt đời. Việc tổ chức ngày hội đọc sách là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, không chỉ nhằm tuyên truyền, giáo dục cho các em về tầm quan trọng của việc đọc sách cũng như trân trọng giữ gìn, bảo vệ sách mà còn góp phần đưa văn hóa đọc trở thành thói quen, rèn cho các em biết chọn những loại sách báo có nội dung tốt, tính giáo dục cao, phù hợp với tâm - sinh lý của từng lứa tuổi; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tiếp cận, rèn luyện thói quen đọc sách, trau dồi tri thức, thay đổi cách học tập của bản thân...

Quang Long
Bình luận
Back To Top