Gìn giữ văn hóa người Xinh Mun

10:08 - Thứ Năm, 20/10/2022 Lượt xem: 6444 In bài viết

ĐBP - Người Xinh Mun sinh sống tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông từ lâu đời. Qua thời gian sinh sống, hội nhập nhiều nét văn hóa, trang phục của người Xinh Mun đã dần bị mai một. Mới đây Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; lễ công bố, trao chứng nhận tổ chức vừa qua, đã khơi dậy sự tự hào cũng như ý thức trách nhiệm của người dân, các cấp, ngành trong gìn giữ phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Con đường vào bản rực rỡ cờ hoa chào đón Lễ chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun.

Chúng tôi đến xã Chiềng Sơ vào ngày tổ chức công bố, trao chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ‘‘tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun’’. Ngay từ ngoài bản, đã thấy cờ hoa rực rỡ sắc màu tung bay theo gió, cùng tiếng nói cười rộn ràng vui mừng trên từng khuôn mặt của người dân.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian được trao truyền từ lâu đời; phản ánh những nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa, đời sống và kinh tế của người Xinh Mun. Lễ này cũng là di sản văn hóa độc đáo và tốt đẹp về tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Xinh Mun. Lễ công bố và chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng, là dịp để tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản từ các hạt nhân là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể.

Người Xinh Mun định cư và sinh sống từ lâu đời với 472 hộ, 2.248 nhân khẩu tại xã Chiềng Sơ. Việc phát triển kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Với địa hình dốc đá, việc trồng trọt chăn nuôi của bà con kém phát triển, chính vì vậy cộng đồng dân tộc Xinh Mun còn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời trong tiến trình sinh sống, phát triển và hội nhập với các dân tộc khác, nhiều nét văn hoá, phong tục truyền thống của người Xinh Mun đã không còn được bảo tồn nguyên vẹn, dần bị mai một, như tiếng nói, trang phục truyền thống, chữ viết…

Trước kia, người Xinh Mun có trang phục, ngôn ngữ riêng; nhưng hiện nay đa số bà con dùng trang phục truyền thống của người Thái hoặc của người Kinh. Người Xinh Mun cũng đang sử dụng tiếng Thái và tiếng phổ thông trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày; việc sử dụng ngôn ngữ truyền thống của riêng dân tộc Xinh Mun chỉ diễn ra giữa các thành viên trong gia đình.

Có thể thấy, các nét văn hoá truyền thống của người Xinh Mun đã bị mai một khá nhiều. Mặc dù vậy, các ngày lễ quan trọng trong năm vẫn được gìn giữ và phát triển đến hiện tại; đặc biệt là Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun. Đây được coi như ngày tết truyền thống của đồng bào dân tộc Xinh Mun, là ngày lễ quan trọng trong năm. Người Xinh Mun quan niệm, vạn vật hữu linh và họ tin rằng kết quả sản xuất canh tác để sinh sống và phát triển kinh tế trong năm có thuận lợi hay không là do hồn lúa, thần nương và thần nước quyết định. Do vậy người Xinh Mun hàng năm thường tiến hành các nghi lễ nông nghiệp.

Gia đình chuẩn bị lễ vật trong Lễ mừng cơm mới.

Việc công bố và chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về tập quán xã hội, tín ngưỡng lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun như nổi lên tiếng trống, đánh thức niềm tự hào, tự tôn dân tộc của cộng đồng dân tộc Xinh Mun nói riêng và cộng đồng các dân tộc trong tỉnh nói chung. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các sở, ban, ngành trong việc gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa vốn có và tốt đẹp trong cộng đồng các dân tộc.

Ông Lò Văn Pháng, nghệ nhân người Xinh Mun tại bản Nà Ly, xã Chiềng Sơ chia sẻ: Lễ mừng cơm mới được tổ chức vào cuối tháng 8 và diễn ra trong khoảng một tuần. Lễ mừng cơm mới (Trả pa me) được thực hiện tại gian thờ tổ tiên. Đầu tiên chủ nhà mang lễ vật đến nhờ thầy mo hoặc người có uy tín trong bản chọn ngày đẹp để làm lễ, họ sẽ kiêng chọn ngày sinh, ngày mất của những người trong gia đình. Nếu trong bản có người mất thì các gia đình đã chọn ngày sẽ lùi lại sang ngày khác, dành thời gian đến giúp đỡ và chia buồn với gia đình có người thân mới mất. Đây là tập quán xã hội đáng quý của người Xinh Mun, chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khi chọn được ngày đẹp để tổ chức lễ, ngay từ sáng sớm, bà chủ nhà hoặc phụ nữ trong nhà sẽ lên nương của gia đình, cắt những bông lúa đầu tiên, đẹp nhất về làm lý, với ý niệm mời hồn lúa về dự lễ. Sau đó chủ nhà sẽ bước vào gian thờ dọn dẹp với hi vọng dọn dẹp những điều kém may mắn, chào đón những cái mới tốt đẹp sẽ đến. Quét dọn xong, chủ nhà thay bàn thờ mới và ống nước và buộc bông lúa vào phên thờ, vừa làm vừa khấn xin được thay mới, mời tổ tiên về nhận lễ vật. Sau đó các thành viên trong gia đình chuẩn bị lễ vật dâng lên thần linh, tổ tiên. Các lễ vật đều là sản phẩm liên quan đến nương rẫy (lúa mới, cá, rau củ tự trồng, măng, dế mèn, thịt gà, rượu,...); chuẩn bị lễ vật xong, chủ nhà khấn mời tổ tiên về dự, cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, may mắn.

Ông Lường Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ cho biết: Việc chứng nhận Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia có ý nghĩa vô cùng lớn đối với người Xinh Mun. Từ việc được công nhận sẽ giúp khơi dậy sự tự hào, tự tôn về các nét văn hoá truyền thống của người dân, giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của người Xinh Mun, tránh hòa tan trong tiến trình hội nhập và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc.

Trần Dũng
Bình luận
Back To Top