Cơ hội các nghề, làng nghề truyền thống

10:12 - Thứ Bảy, 22/10/2022 Lượt xem: 9505 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 44 nghề và các làng nghề; trong đó có 4 làng nghề truyền thống mới được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí theo Nghị định 52/2018/NÐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, gồm: Làng nghề bánh Khẩu Xén, bánh Chí Chọp (xã Lay Nưa, TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào (xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên); nghề thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông (xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ); nghề mây tre đan (xã Nà Tấu, TP. Ðiện Biên Phủ). Ðây là điều kiện, cơ hội để các nghề, làng nghề truyền thống được đầu tư, hỗ trợ về cơ chế, chính sách theo quy định, tạo động lực phát triển mạnh hơn.

Hiện nay, tỷ lệ người dân tộc Xạ Phang, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) làm nghề thêu giày ngày càng ít. Trong ảnh: Người dân Xạ Phang, xã Tả Sìn Thàng truyền lại nghề cho con cháu.

Gần 100 năm qua, từ khi định cư, lập bản, cộng đồng dân tộc Lào bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) vẫn luôn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tuy nhiên, trải qua quá trình phát triển, sự tương tác, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc; thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp, giá rẻ hơn, nên thổ cẩm Pa Xá Lào gặp khó khăn trong việc cạnh tranh. Ðể gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, bản Pa Xá Lào đã thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào. Ðiều đó khẳng định người dân đã thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống.

Theo thống kê của UBND xã Pa Thơm, hiện nay toàn xã có trên 60 hộ dân tộc Lào vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Do điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường tiêu thụ chậm, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong các hoạt động văn hóa, đời sống như làm trang phục. Vì vậy việc công nhận nghề, làng nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào là cơ sở để người dân, địa phương có thêm động lực duy trì, phát triển, nhất là hỗ trợ về cơ chế, chính sách thực hiện. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, giữ gìn giá trị truyền thống văn hóa dân tộc của người Lào ở xã Pa Thơm nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Tương tự, nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) đã có từ lâu đời và được cộng đồng người dân tộc Thái địa phương bảo tồn, phát huy. Cũng giống như các nghề khác, trước đây các sản phẩm mây tre đan chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ðể duy trì và phát triển nghề, năm 2010 làng nghề mây tre đan Nà Tấu được thành lập theo Chương trình đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn và đến năm 2013 thành lập Hợp tác xã mây tre đan thủ công mỹ nghệ Nà Tấu. Làng nghề mây tre đan Nà Tấu đã được hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, tập huấn... Các sản phẩm mây tre đan cũng được chương trình DANIDA của Ðan Mạch quảng bá sản phẩm. Thế nhưng trên thực tế, việc hỗ trợ máy móc, quảng bá sản phẩm chưa thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi người dân cần được hỗ trợ nhiều hơn về vốn vay, tập huấn, đào tạo, giới thiệu sản phẩm... Do đó hiện nay không nhiều người mặn mà với nghề truyền thống này; các sản phẩm làm ra gặp khó trong khâu tiêu thụ.

Theo ông Lò Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan thủ công mỹ nghệ Nà Tấu, thì nguyên nhân do nguồn nguyên liệu ngày càng hiếm; tốn thời gian, công sức hoàn thiện một sản phẩm nhưng giá thành thấp; thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Bên cạnh đó, người dân vẫn khó tiếp cận được vốn tín dụng trong quá trình duy trì và phát triển nghề. Vì vậy, việc chính thức được công nhận nghề, làng nghề truyền thống được kỳ vọng là cơ hội để nghề mây tre đan Nà Tấu tiếp cận nhiều hơn về vốn, khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất, cũng như việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến thương mại...

Việc được công nhận nghề, làng nghề truyền thống là cơ hội để phát triển. Ðây là căn cứ pháp lý để thực hiện hỗ trợ theo quy định của Nghị định 52 của Chính phủ. Ngoài ra, các nghề, làng nghề còn được hưởng các chính sách từ ngân sách địa phương.

Ngoài 4 nghề, làng nghề đã được công nhận theo Nghị định 52 của Chính phủ, toàn tỉnh còn khoảng 40 nghề, làng nghề cơ bản đạt các tiêu chí theo quy định. Song các nghề, làng nghề chỉ sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ, mức đầu tư còn thấp, hạ tầng, trang thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó hầu hết các nghề, làng nghề hoạt động lay lắt cầm chừng và chưa thực sự hiệu quả.

Ông Oàng Dỉn Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) cho biết: Trước đây tất cả các hộ dân người dân tộc Xạ Phang trên địa bàn xã đều làm nghề thêu giày, vừa để sử dụng trong sinh hoạt, đời sống, vừa để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua do nhu cầu người tiêu dùng ít, trong khi giá thành cao (trung bình từ 800.000 đồng - 1.600.000 đồng/đôi tùy từng loại) nên loại giày thêu khó tiêu thụ. Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chưa được thực hiện thường xuyên. Vì vậy hiện nay nhiều hộ dân trong xã đã bỏ nghề, hoặc chỉ làm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, phong tục tập quán dân tộc.

Một trong những nguyên nhân là do các nghề và làng nghề chủ yếu vẫn làm theo hình thức thủ công, tự phát, quy mô nhỏ; các cơ sở thiếu vốn, chưa được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ lạc hậu chiếm tỷ lệ 95% (chủ yếu là nghề thêu ren, dệt truyền thống, đan lát). Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong các nghề, làng nghề còn hạn chế. Một số nhóm ngành nghề phát triển cầm chừng, chưa bền vững; một số nghề truyền thống có nguy cơ mai một. Trong khi đó, lao động chủ yếu là thủ công, chưa qua đào tạo, phần lớn là do truyền nghề và kèm cặp tại chỗ nên trong quá trình sản xuất theo cơ chế thị trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng… nên chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng, chưa đáp ứng với nhu cầu thị trường.

Tỉnh Ðiện Biên phấn đấu đến năm 2025 có 10 nghề và làng nghề được công nhận theo Nghị định 52 của Chính phủ. Ðây là điều kiện để các nghề, làng nghề được hỗ trợ về cơ chế, chích sách, vì vậy thời gian tới tỉnh xác định tập trung khôi phục, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống theo hướng tạo ra các sản phẩm có tính chất đặc thù, hấp dẫn du khách. Ðẩy mạnh đầu tư theo chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa các sản phẩm; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra sản phẩm mang tính thương mại cao.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top