Phát triển nghề, làng nghề truyền thống

07:50 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 5948 In bài viết

ĐBP - Các nghề, làng nghề truyền thống thời gian qua đã có sự phát triển nhất định, tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Tuy nhiên, việc phát triển nghề, làng nghề truyền thống vẫn đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, trong đào tạo để giữ nghề... Bởi vậy, rất cần có giải pháp, cơ chế hỗ trợ khuyến khích các làng nghề phát triển trong thời gian tới.

Nhờ tham gia mô hình liên kết làm bánh khẩu xén, mỗi năm gia đình chị Sìn Thị Thảo, bản Bắc II, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay có thêm thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Trong ảnh: Chị Thảo (bên trái) thực hiện công đoạn xay nhuyễn nguyên liệu để làm bánh khẩu xén. Ảnh: Thu Hằng

Mới đây, có 4 nghề, làng nghề được xét công nhận, gồm có: Làng nghề bánh khẩu xén, bánh chí chọp bản Bắc II, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay); nghề dệt thổ cẩm bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên); nghề thêu chân váy, áo trang phục dân tộc Mông, bản Púng Pá Kha, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); nghề mây tre đan bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ).

Nghề dệt thổ cẩm Lào đã xuất hiện kể từ khi thành lập bản, đi cùng bà con qua bao thăng trầm của thời gian cho tới ngày nay. Trải qua hàng chục năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn đang được đồng bào dân tộc Lào gìn giữ và phát triển, mang đậm bản sắc văn hóa của người Lào. Chị Lò Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Pa Xá Lào cho biết: “Trang phục của người phụ nữ Lào nơi đây đều do phụ nữ tự thu bông, kéo tằm, nhuộm vải, dệt và tự thêu hoa văn theo hoa tay của mình. Để hoàn thành thủ công một bộ trang phục đầy đủ gồm: Váy, áo, khăn trước ngực, khăn đội đầu cần ít nhất hai tháng. Có lẽ chính vì vậy mà phụ nữ Lào nổi tiếng là những người dệt vải khéo tay. Những loại sợi tự nhiên của đất trời Tây Bắc vốn thô sơ, mộc mạc, qua bàn tay khéo léo của phụ nữ Lào đã trở thành những tấm vải mềm mại, những sản phẩm thủ công chỉn chu với hoa văn tinh tế, đặc trưng, không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào mà còn chứa chan sự tâm huyết, tỉ mỉ, kiên nhẫn của người phụ nữ Lào nơi đây. Hiện nay, trong bản có 33 hộ tham gia làm nghề dệt thổ cẩm Lào với các sản phẩm chủ yếu là vải thổ cẩm, khăn, túi, váy, quần áo nam, nữ dân tộc Lào, đệm nằm, đệm ngồi, chăn...”.

Còn tại làng nghề bánh khẩu xén, bánh chí chọp bản Bắc II, xã Lay Nưa hiện có 55/73 hộ tham gia. Hình thức sản xuất của làng nghề phần lớn là thủ công, kết hợp với máy bán công nghiệp, những nguyên liệu sẵn có. Thời gian sản xuất tập trung khoảng 5 tháng. Theo báo cáo của làng nghề, sản lượng năm 2021 đạt 16 tấn thành phẩm, với giá bán bình quân trên thị trường khoảng 60 nghìn đồng/kg, thu về 960 triệu đồng; giá trị sản xuất lãi thực tế so với tổng thu nhập đạt 532 triệu/960 triệu đồng; thu nhập từ làm nghề đạt 4,8 triệu đồng/người/5 tháng, chiếm 31% tổng thu nhập của bản...

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, lĩnh vực ngành nghề nông thôn, các làng nghề thời gian qua đã có sự phát triển, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Các sản phẩm hàng hóa đa dạng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc tận dụng, sử dụng được nguồn nguyên liệu có thế mạnh sẵn có của tỉnh, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các cơ sở ngành nghề đi vào hoạt động ổn định góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Mặc dù giá trị sản xuất tại các nghề, làng nghề chưa cao nhưng cũng đã giải quyết lượng lớn lao động nông nhàn, thời vụ tại địa phương; ổn định trật tự xã hội, đóng góp xây dựng kinh tế xã hội của địa phương góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy, ngành nghề nông thôn, các nghề và làng nghề phát triển còn chậm, quy mô nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, nhiều cơ sở ngành, nghề nông thôn chưa mạnh dạn đầu tư để sản xuất. Việc huy động các nguồn vốn, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn, các nghề và làng nghề còn hạn chế. Một số nhóm ngành nghề phát triển còn gặp khó khăn, mang tính cầm chừng, chưa bền vững. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như: Nghề đan lát (mây, tre...), trồng cây cảnh...

Thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn 2025 - 2030, việc phát triển ngành nghề nông thôn và nghề truyền thống và các làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Cùng với đó là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên cơ sở bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa, tập quán của từng địa phương cùng với sự tham gia của cộng đồng gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo vừa hiện đại mang tính thương mại cao... Song song với việc bảo tồn cần phải tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh phát triển nguyên vật liệu, kỹ năng, kỹ xảo sản xuất, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động... nhằm góp phần tích cực giải quyết việc làm để nâng cao đời sống và thu nhập cho cư dân ở các địa phương.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top