Vấn đề tuần này

Phát huy giá trị di sản văn hóa

07:35 - Thứ Năm, 08/12/2022 Lượt xem: 5264 In bài viết

ĐBP - Là địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, Điện Biên đang có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, 18/19 dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa với kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc gắn liền với nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Cùng với đó là 14 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn, khai thác giá trị di sản văn hóa của tỉnh.

Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa vào phát triển du lịch đang là giải pháp được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng. Khai thác, phát triển du lịch từ di sản văn hóa cũng đã được tỉnh ta chú ý, nghiên cứu, áp dụng đối với một số sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, tìm hiểu làng nghề, phong tục tập quán… Tuy nhiên, việc khai thác giá trị di sản văn hóa vào phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá sơ khai, chưa có sản phẩm mang đặc trưng Điện Biên khi du khách đến với Điện Biên vẫn chủ yếu từ sức hút di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Việc tìm hiểu nét văn hóa, di sản văn hóa các dân tộc Điện Biên đang được thực hiện theo hình thức kết hợp khi du khách tham quan Điện Biên. Vấn đề đặt ra là làm sao để du khách quay trở lại Điện Biên tìm hiểu kho tàng di sản văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Điện Biên. Điều này phải xác định di sản văn hóa là nguồn lực quan trọng, là nguyên liệu tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng Điện Biên; biến di sản thành tài sản, biến văn hóa thành hàng hóa.

Các di sản văn hóa của tỉnh gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. 18 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh đã tạo ra kho tàng văn hóa đa dạng, thể hiện nét đặc trưng của từng dân tộc. Ngày nay, nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao, không phân biệt quốc gia, dân tộc, tôn giáo, giới tính… Nếu biết cách khai thác, khéo léo biến giá trị di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch, đưa văn hóa lồng ghép vào chương trình du lịch thì du khách sẽ tiêu thụ “hàng hóa văn hóa” trong quá trình du lịch tại địa phương.

Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần, vật chất, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, trình diễn, truyền nghề gắn với đời sống cộng đồng các dân tộc. Để khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các địa phương cần phải xác định những giải pháp hữu hiệu; khai thác giá trị văn hóa phát triển du lịch gắn liền công tác bảo tồn để gìn giữ giá trị di sản văn hóa bản địa và mỗi dân tộc. Mỗi điểm đến, mỗi dân tộc cần nghiên cứu nét văn hóa đặc trưng, xây dựng sản phẩm du lịch gắn liền việc bảo tồn, phát huy bền vững giá trị của các di sản văn hóa. Xây dựng sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa phải tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch để người dân vừa có thêm việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống vừa nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ các giá trị di sản văn hóa. Bởi di sản văn hóa gắn liền với đời sống người dân, khi được thực hành thường xuyên, các di sản văn hóa được bảo tồn, gìn giữ vừa là dịp quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình với du khách thập phương.

Thực tế hiện nay, nhiều di sản văn hóa đang dần mai một, thất truyền khi những người am hiểu, nắm giữ di sản văn hóa chỉ còn rất ít và cao tuổi. Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian của các dân tộc không được thực hành thường xuyên; các dân tộc sinh sống xen kẽ nhau nên hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống dân tộc ngày càng ít. Các nghệ nhân, người nắm giữ văn hóa truyền thống dân tộc chưa được quan tâm, có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp. Việc trao truyền di sản văn hóa chủ yếu là truyền miệng trong khi thế hệ trẻ mải mê với đời sống hiện đại, yêu thích văn hóa hiện đại, không mặn mà với việc gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Vì vậy gìn giữ di sản văn hóa phải gắn khai thác với bảo tồn; việc khai thác di sản văn hóa chính là làm cho văn hóa truyền thống, lễ hội, trò chơi dân gian được phục dựng, gắn với đời sống người dân.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải xác định những giải pháp cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng địa phương, cơ quan chuyên môn và cộng đồng mỗi dân tộc. Và giải pháp khai thác giá trị di sản văn hóa vào phát triển du lịch được coi là một giải pháp khá hiệu quả hiện nay với nhiều địa phương. Du lịch phải đóng vai trò khôi phục, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa; người dân phải được hưởng lợi từ hoạt động du lịch để có nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa. Do đó, cùng với kiểm kê di sản văn hóa cần nghiên cứu phục dựng, bảo tồn lễ hội, làng nghề truyền thống và các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc. Trên cơ sở nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa, đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa để đề xuất giải pháp khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phù hợp và hiệu quả. Khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Hoạt động này cần sự tham gia hưởng ứng tích cực, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Mỗi đơn vị, địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; ưu tiên dành kinh phí cho việc bảo tồn, gìn giữ, kế thừa, phát huy từng loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể thông qua các đề án cụ thể để di sản văn hóa gắn liền với đời sống cộng đồng, lưu truyền qua các thế hệ.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top