Giữ bản sắc văn hóa dân tộc Nùng

07:46 - Thứ Năm, 08/12/2022 Lượt xem: 6564 In bài viết

ĐBP - Hát then, đàn tính, hát sli, chơi cầu lông gà bằng tay, trang phục truyền thống... những nét đẹp văn hóa của dân tộc Nùng đang dần mai một trong cộng đồng người Nùng sinh sống tại địa bàn huyện Điện Biên. Bởi vậy, tháng 10 vừa qua, UBND huyện Điện Biên phối hợp với các phòng chuyên môn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát và thực hiện bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Nùng.

Hầu hết phụ nữ trẻ dân tộc Nùng tại địa bàn huyện Điện Biên trước đây không biết hát then. Qua các hoạt động bảo tồn, nhiều người đã có thể biểu diễn giao lưu, tham gia gìn giữ di sản then.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên, trên địa bàn có hơn 940 người dân tộc Nùng, sinh sống ở 2 xã Thanh Yên và Thanh Chăn. Họ có gốc gác từ tỉnh Lạng Sơn, lên Điện Biên khai hoang, làm nhà, lập bản, dựng xây cuộc sống mới từ sau khi giải phóng Điện Biên đến những năm 1970. Sau nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, người dân tộc Nùng khó giữ được nguyên gốc bản sắc văn hóa. Bà Lò Thị Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: “Người Nùng tại các xã trên sinh sống xen kẽ và có sự giao thoa văn hóa với các dân tộc Tày, Thái, Kinh. Vì thế khó phân biệt các hộ dân tộc Nùng trong cộng đồng dân cư. Cùng với sự đổi thay của cuộc sống, hội nhập, hiện đại hóa, người Nùng không còn thực hành thường xuyên nhiều nét văn hóa cổ truyền. Khi đến khảo sát, thực hiện các hoạt động trong chương trình bảo tồn, những người già trong cộng đồng dân tộc Nùng đều tha thiết gìn giữ văn hóa dân tộc, nhưng ngày nay nhiều người trẻ đi làm ăn xa, phát triển kinh tế nên vấn đề truyền nối văn hóa gặp nhiều trở ngại”.

Thực tế tại cơ sở cũng minh chứng điều đó. Tại bản Phú Yên, xã Thanh Yên, nơi được lựa chọn chính để thực hiện bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Nùng, bà Nông Thị Nồm, người cao tuổi trong bản chia sẻ: “Ngày xưa còn trẻ, ở quê cũ, vợ chồng tôi thường xuyên hát then, hát sli. Từ khi lên khai hoang, làm kinh tế, bận rộn với cuộc sống và sống xen lẫn nhiều dân tộc khác nhau, nên các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống dân tộc mình dần ít đi. Giờ có chương trình gì, chồng tôi vẫn tham gia hát, tôi thì chỉ làm cầu lông gà và tham gia một số trò chơi dân gian. Con cháu chẳng ai biết hát, biết làm những thứ ấy như ông bà, bố mẹ. Trang phục dân tộc cũng chỉ người già trong bản mới có”.

Một số ít nghi lễ truyền thống vẫn được người dân tộc Nùng duy trì thực hiện, lớn nhất là cúng tổ tiên rằm tháng 7 và lễ mừng cơm mới. Món ăn truyền thống: Bánh giầy và xôi tím vẫn hiện diện, không thể thiếu trong các mâm cỗ của người Nùng các xã huyện Điện Biên. Họ cũng vẫn duy trì được tục lệ khi một gia đình có con gái đi lấy chồng, sẽ đến dâng lễ, thắp hương mỗi nhà ông/bà bên nội (bao gồm cả anh em ruột của ông bà nội) một mâm cỗ, trong đó nhất định phải có bánh giầy, có thêm xôi, gà, rượu, hoa quả... tùy điều kiện từng gia đình, thể hiện sự biết ơn với bậc bề trên, mong các bậc cao niên chúc phúc. Khi người con gái sinh con đầu lòng, đến khi tròn tháng tuổi, các ông, bà đáp lễ bằng mâm cỗ hoặc đùi lợn chúc mừng gia đình cháu.

Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Nùng vừa qua được thực hiện đúng thời điểm các gia đình tổ chức tết mừng cơm mới. Nghi lễ này đã được tái hiện đầy đủ, đúng tiến trình, được ghi hình làm tư liệu bảo tồn. Cùng với phần lễ, phần hội bao gồm các trò chơi dân gian (đánh cầu lông gà bằng tay, lảy cỏ), hát then, hát sli, múa truyền thống cũng được dàn dựng, truyền dạy cho người dân tộc Nùng các bản.

Chị Vì Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Phú Yên, thành viên đội văn nghệ bản cho biết: “Trong đội văn nghệ bản có 5 chị em người dân tộc Nùng. Trước đây chúng tôi chỉ tham gia biểu diễn các bài mới, hiện đại, nhưng qua hoạt động bảo tồn đã được học hát then và tự tin biểu diễn trong ngày vui mừng cơm mới và lễ báo cáo kết quả công tác bảo tồn. Chúng tôi cũng được học hát sli từ các cụ già nhưng khó quá, học theo hình thức truyền miệng nên vẫn chưa hát được. Trước đây, trang phục dân tộc cũng chưa ai sắm. Khi tham gia các hoạt động trên, đội văn nghệ phải đặt hàng từ Lạng Sơn chuyển về, được huyện hỗ trợ một nửa chi phí. Từ giờ trở đi, chị em đội văn nghệ đã biết hát then và có trang phục truyền thống, sẵn sàng tập luyện, giao lưu văn nghệ, góp phần gìn giữ di sản then nói riêng, nét đẹp văn hóa dân tộc nói chung”.

Thúc đẩy những kết quả tích cực ấy, bà Lò Thị Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết thêm: “Huyện khuyến khích, tạo điều kiện duy trì các hoạt động văn hóa - văn nghệ gắn với hát múa truyền thống dân tộc Nùng trong các hoạt động cộng đồng tại địa phương và giao lưu văn hóa, văn nghệ các cấp. Sắp tới, chúng tôi đề xuất xin kinh phí xây dựng câu lạc bộ văn hóa hát then và đàn tính dân tộc Tày, Nùng, Thái tại địa bàn”.

Từ sau hoạt động bảo tồn di sản văn hóa do huyện triển khai, các bản người dân tộc Nùng trên địa bàn huyện Điện Biên quan tâm, sôi nổi thực hành văn hóa, gìn giữ nét đẹp cha ông để lại. Có thêm nhiều phụ nữ làm quen với hát then, tập hát sli. Chơi cầu lông gà bằng tay, lảy cỏ cũng phổ biến hơn, trở thành trò chơi quen thuộc của trẻ em trong bản. Thế hệ trẻ đã biết, hiểu nhiều hơn về dân tộc mình, thêm tự hào về bản sắc dân tộc, được khích lệ để tiếp nối, gìn giữ những giá trị truyền thống ấy...

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top