Tiếng trống đầu xuân

07:24 - Chủ Nhật, 29/01/2023 Lượt xem: 6511 In bài viết

ĐBP - Mùa xuân, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của lễ tết đầu năm.

Tiếng trống kết hợp cùng chiêng, chũm chọe nâng bước cho vòng xòe hội xuân.

Trong tâm thức của mọi người, đây là dịp để nghỉ ngơi, dẹp bỏ lo toan của cuộc sống, quây quần, tụ họp cùng gia đình; đây cũng là dịp mọi người đi du xuân, chơi hội. Trong những ngày hội xuân, trên khắp bản làng vùng cao Tây Bắc đều vang lên những âm thanh rất đỗi thân thuộc, đó là tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng xập xòe, tiếng sáo… Trong đó, thanh âm quen thuộc nhất dịp đầu xuân có lẽ là tiếng trống.

Với mỗi dân tộc khác nhau, nhạc cụ trống có những khác biệt về kích thước, chất liệu gỗ cũng như tiếng trống mang hơi hướng, âm hưởng khác nhau. Với tiếng trống hội xuân đầu năm, thường là sử dụng trống cái, nhịp trống nhanh, dồn dập thúc giục mọi người đi xem hội; từ đó tạo không khí vui tươi, sôi động, xua tan đi mệt nhọc, lo toan của cuộc sống hàng ngày.

Khác với tiếng trống hội, tiếng trống ngày xuân của dân tộc Thái âm thanh thường chắc, dứt khoát và có nhịp điệu, chủ yếu theo nhịp 1 - 2 - 3 như thúc giục, nâng bước cho điệu xòe truyền thống, tạo sự đồng đều, gắn kết và nhịp điệu trong vòng xòe. Tiếng trống là âm thanh cốt lõi, người Thái còn kết hợp thêm chiêng, chũm chọe tạo tâm lý hồ hởi, phấn chấn, vững bước và đồng lòng nhằm thúc đẩy sự gắn bó, đoàn kết với nhau.

Ngoài tiếng trống nhanh, mạnh, rộn ràng như mời gọi, thúc giục mọi người đi chơi hội của dân tộc Thái; còn có tiếng trống trầm ấm của dân tộc Dao. Trống của người Dao gọi là trống nêm, có kích thước nhỏ, được đục từ những thân gỗ, mặt trống được căng bằng nêm là các thanh gỗ được chẻ mỏng, đan chéo xung quanh tang trống. Tiếng trống nêm của người Dao trầm ấm, ngân vang như giọng nói của người sử dụng trống. Người Dao coi tiếng trống không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là cầu nối tâm linh, thể hiện tâm tư, tình cảm giữa người đang sống với tổ tiên, với vạn vật xung quanh. Tiếng trống nêm luôn xuất hiện trong hầu hết các lễ hội quan trọng, như lễ nhảy lửa, đám cưới, tết khai xuân... Vì vậy, tiếng trống trở thành biểu tượng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Dao.

Tiếng trống đầu xuân của dân tộc Lào lại mang hơi hướng nhẹ nhàng, trong trẻo. Trong bất kỳ ngày lễ lớn nhỏ nào, dân tộc Lào đều tổ chức vui chơi, múa hát và tiếng trống luôn được hiện diện. Trống của dân tộc Lào thường nhỏ để thuận tiện đeo trên vai, người chơi dùng tay để đánh trống. Tiếng trống của dân tộc Lào uyển chuyển, trầm bổng và nhịp nhàng kết hợp cùng điệu lăm vông. Mỗi khi tiếng trống vang lên, không phân biệt tuổi tác, giới tính, mọi người cùng múa điệu lăm vông, hòa mình vào tiếng trống, tiếng nhạc. Họ mời nhau múa hát một cách niềm nở, thân thiện, đây là cách dân tộc Lào thể hiện lối sống bình dị, hồn nhiên và cởi mở với tất cả mọi người.

Có thể thấy, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tiếng trống luôn hiện hữu, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Cứ mỗi độ xuân về, trên khắp bản, làng đều rộn rã, tưng bừng tiếng trống, tiếng chiêng, cùng sự say đắm trong vòng xòe chặt tay; trong điệu lăm vông nhịp nhàng... tạo không khí tươi vui ngày tết. Tiếng trống đầu xuân, âm hưởng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ, bắt đầu chào đón một mùa xuân mới yên vui, còn là biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, là tiếng gọi, là cầu nối tâm linh, là sợi dây gắn kết kí ức truyền thống văn hóa giữa các thế hệ.

Bài, ảnh: Trần Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top