Chương trình nghệ thuật đặc biệt ''Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử''

14:06 - Thứ Tư, 15/02/2023 Lượt xem: 6822 In bài viết

Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đề cương văn hóa Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp, Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện. 

Chương trình do Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam triển khai dàn dựng, sẽ biểu diễn vào 20h ngày 28-2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình do Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam triển khai biểu diễn. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, chỉ đạo nội dung chương trình, cho biết: “Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Lãnh đạo Bộ đã đề nghị Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình, tác giả kịch bản kiêm tổng đạo diễn chương trình cùng ê kíp dàn dựng cần làm nổi bật giá trị những luận điểm cơ bản của Đề cương; những thành tựu mà văn hóa Việt Nam đã đạt được dưới ánh sáng của bản Đề cương và đường lối văn hóa của Đảng, đặc biệt, một nền văn học nghệ thuật mới hình thành trong kháng chiến đã tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh một giai đoạn rực rỡ và vẻ vang của dân tộc”.

Chương trình dùng ngôn ngữ nghệ thuật như hát, múa, phim tài liệu, các hình thức nghệ thuật biểu diễn khác để thể hiện những dấu ấn lịch sử và sức lan tỏa của Đề cương về văn hóa Việt Nam theo suốt dọc chiều dài lịch sử phát triển của đất nước 80 năm qua.

Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Bình, chương trình gồm 3 chương. Chương I - “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” tái hiện bối cảnh lịch sử Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, sự kiện Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại Hà Nội ngày 24-11-1946 với luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Chương II - “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” tái hiện tinh thần khẩu hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành sức mạnh để huy động mọi nguồn lực dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ 1940-1975, góp phần phát huy vai trò của văn hóa, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, huy động được các lực lượng làm công tác văn hóa và toàn dân tham gia vào hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. 

Chương III - “…Văn hóa còn thì dân tộc còn” khẳng định giá trị tư tưởng nguyên vẹn của Đề cương về văn hóa Việt Nam 80 năm qua.

Trong chương trình, khán giả được thưởng thức các tác phẩm: Liên khúc “Ngọn đuốc soi đường”, ca khúc “Cờ Việt Minh”, “Bình minh”, “Lá cờ Đảng”, “Đoàn lữ nhạc", “Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh”, “Người Hà Nội”, “Trường ca sông Lô”, “Giải phóng Điện Biên”, “Bước chân trên dải Trường Sơn”, “Tiến về Sài Gòn”, “Đất nước trọn niềm vui”…

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Đoàn trống hội Bộ Công an, Đoàn nghi lễ Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương…

Cùng với đó, các giọng ca được yêu mến cũng góp mặt, như: Trọng Tấn, Tùng Dương, Viết Danh, Phạm Thu Hà, Võ Hạ Trâm, Thu An, Thu Hằng, Thanh Thanh, Huệ Thương, Phương Mai, nhóm Oplus, nhóm Phương Nam, nhóm Thời gian...

Theo HNM
Bình luận
Back To Top