Chắp cánh tâm hồn thơ Việt

07:41 - Thứ Năm, 16/02/2023 Lượt xem: 6850 In bài viết

ĐBP - Cứ mỗi độ xuân về, vào dịp rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) những người yêu thơ tỉnh Điện Biên lại náo nức tụ hội, giao lưu và trải nghiệm không gian thơ đặc sắc, ấm tình quê hương, đất nước, để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong lòng công chúng yêu thơ. Có thể khẳng định, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi tại Điện Biên đã thực sự trở thành một lễ hội tao nhã, tôn vinh các giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo công chúng yêu văn học, thơ ca.

Nguyên tiêu - Ngâm thơ kết hợp vẽ tranh.

Mở đầu Ngày thơ năm nay, người dân và đông đảo người yêu thơ được nghe bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện cảm hứng vừa lãng mạn vừa thấm đẫm thế sự, nhân tình, vừa là vần thơ đẹp đầy xúc động trước thiên nhiên, thể hiện nỗi lòng sâu nặng với dân, với nước của Người. Cũng trong Ngày thơ, nhiều tiết mục thơ - nhạc đặc sắc mang chủ đề “Nhịp điệu mới” đã được các học sinh, nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên của tỉnh thể hiện qua bình thơ, ngâm thơ, đọc thơ, các màn hát múa, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc...

Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng, ca ngợi quê hương Điện Biên với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng con người Mường Then hiếu khách, kiên trung, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hướng tới một tương lai tươi đẹp, hạnh phúc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng như các tác phẩm ngâm thơ (“Sắc xuân Điện Biên”; “Lính biên phòng Nguyên tiêu nhớ Bác”; “Thành phố tôi yêu”…); “Mùa xuân trong thơ” - bình thơ; “Du xuân Mường Luân sau đại dịch” - đọc thơ; “Chiếc khăn piêu và Người Mèo ơn Đảng” - hòa tấu nhạc cụ dân tộc; “Ước mơ chiến sĩ” - dân vũ...

 Lấy cảm hứng từ những chuyến du xuân đầu năm, nhà thơ Tòng Văn Hân đã đem tới khán trường và những người yêu thơ tác phẩm “Du xuân Mường Luân sau đại dịch”. Tác phẩm đã làm toát lên hình ảnh về lòng mến khách và khát khao sống, cống hiến mãnh liệt của đất và người Điện Biên Đông. Đặc biệt, những vần thơ đầy xúc động đã khắc họa nét văn hóa đặc sắc, phong cảnh thiên nhiên hữu tình như những nốt nhạc trầm bổng với tháp Mường Luân cổ kính bên bờ sông Mã, thửa ruộng bậc thang và bề dày văn hóa lâu đời, từ ẩm thực, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Lào.

Trò chuyện với chúng tôi, nhà thơ Tòng Văn Hân chia sẻ: “Dịch Covid-19 đã đi qua, với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc xã Mường Luân nhịp sống sôi động đã trở lại, bản mường hân hoan đón chào xuân mới. Qua bài thơ, tôi mong muốn góp phần quảng bá, giới thiệu về đất và người thân thiện, mến khách và nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc của Điện Biên Đông nói chung, Mường Luân nói riêng đến với du khách thập phương”.

Để tạo thêm sự hấp dẫn, thu hút đông đảo khán giả, công chúng, đặc biệt là những người yêu thơ trẻ tuổi, tại Ngày thơ, Ban tổ chức đã phát động cuộc thi thơ với chủ đề: “Khát vọng vươn lên”. Với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng và Bác Hồ kính yêu, mùa xuân tươi đẹp và khát khao sáng tạo, vươn lên của con người sau đại dịch Covid-19, cuộc thi thu hút đông đảo nhà thơ, nghệ sĩ, khán giả tham gia sáng tác. Chị Nguyễn Thị Hồng Miên, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, tác giả đoạt giải nhất chia sẻ: “Sau những ngày đại dịch, cuộc sống lại sôi động với những sắc thái mới, niềm tin mới… Từ nguồn cảm xúc dạt dào, chỉ trong thời gian ngắn tôi đã sáng tác bài thơ với tựa đề: “Khát vọng xuân hồng”. Những vần thơ bay bổng đã thể hiện tinh thần dân tộc, khát vọng, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn của người Việt Nam quyết tâm xây đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường”.

“Em rất bất ngờ với không gian đẹp, lãng mạn cho những tâm hồn yêu thơ lần này. Các bài thơ được trình bày tại đây rất hay và ý nghĩa, phản ánh được những nét đẹp hữu tình của phong cảnh và tính cách kiên trung, anh dũng của mảnh đất và con người Điện Biên. Không những được thưởng thức những bài thơ đặc sắc mà em còn được gặp gỡ những tác giả mà mình yêu mến từ lâu” - bạn Lường Thị Xuân, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh xúc động nói.

Cách đây tròn 75 năm - mùa xuân Mậu Tý 1948, trong tiết trời ấm áp nơi chiến khu Việt Bắc, xúc động trước “tuyệt tác” thiên nhiên của đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ tịch - lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã tức cảnh sinh tình bằng những vần thơ mang đậm phong cách Đường thi. Bài thơ “Nguyên tiêu” như một đóa hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương, hình ảnh trăng trong thơ hòa quyện với hồn người, hồn thơ của một nhà quân sự - một người chiến sĩ vĩ đại, đã tạo thêm sức xuân cho bài thơ bất hủ này. Từ nguồn cảm hứng qua bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành khóa VI, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam trên toàn quốc vào rằm tháng Giêng hàng năm.

Bà Trần Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khẳng định: Với chủ đề “Nhịp điệu mới” Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tổ chức tại Điện Biên là sự hòa quyện giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa, giữa văn hóa các dân tộc cùng hoạt động phong phú của nhiều chuyên ngành như văn học, âm nhạc, mỹ thuật... Đây là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca và bày tỏ kỳ vọng vào sự đổi mới của thi ca trong cuộc sống, thể hiện niềm tin về sự phục hồi mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp.            

Cũng theo bà Trần Thị Hiền, Ngày thơ Việt Nam năm nay được Ban tổ chức chuẩn bị kỹ càng, đầu tư công phu, mới về không gian, thời gian, nội dung hấp dẫn, mở rộng hơn nhằm quy tụ, giới thiệu chân dung, sáng tác của nhiều nhà thơ tiêu biểu. Điều đó cho thấy ý thức đổi mới, cải tiến, đa dạng hóa, nâng cao hoạt động tôn vinh thơ ca nhằm tạo sự cuốn hút hơn đối với công chúng, góp phần lan tỏa thơ ca sâu rộng vào đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa người cầm bút với bạn đọc.

 “Khởi đầu một năm là mùa xuân, khởi đầu mùa xuân là câu chuyện của thi ca, tín hiệu ấy cho mỗi người niềm tin vào những giá trị cốt lõi và nhân văn trong cuộc sống”.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top