Sắc màu Điện Biên

06:56 - Thứ Bảy, 18/03/2023 Lượt xem: 8608 In bài viết

ĐBP - Những ngày hội rộn rã đã kết thúc, quê hương Điện Biên về với nhịp sống thường ngày, nhưng cảm xúc, ấn tượng về vùng đất rực rỡ sắc màu chắc chắn còn đọng lại mãi trong tâm trí người dân và du khách. Đó là một Điện Biên thu nhỏ được thấy qua các hoạt động văn hóa đặc sắc, đặc biệt là không gian văn hóa vùng cao trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban năm 2023 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh lần thứ VII.

Đồng bào Hà Nhì huyện Mường Nhé xòe vòng thu hút sự quan tâm của du khách.

“Mùa lễ hội năm nay tạo ấn tượng sâu sắc nhất từ trước tới nay cho tôi và gia đình. Tôi là người Điện Biên mà cảm thấy thật thích thú, hài lòng khi tham gia các hoạt động lễ hội, du khách chắc hẳn cũng đã có nhiều cảm xúc tuyệt vời. Điện Biên mình cần có những không gian văn hóa các dân tộc như thế để khách trải nghiệm” - đó là chia sẻ của anh Nguyễn Trung Hiếu, TP. Điện Biên Phủ khi hòa mình vào không khí Lễ hội, Ngày hội.

Đây cũng là cảm nhận chung của nhiều người dân và du khách trong những ngày qua, đặc biệt là khi trải nghiệm không gian văn hóa vùng cao tại khu vực di tích Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ-cát). Mỗi góc là 1 không gian đặc trưng cho 1 dân tộc, 1 địa phương. 10 huyện, thị, thành phố là 10 không gian độc đáo, góp thêm vào đó có sắc màu của Câu lạc bộ Văn hóa Thái, Bảo tàng tỉnh, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, rực rỡ, cuốn hút. Những nét đẹp truyền thống từ đời sống sinh hoạt, lao động thường ngày đến văn hóa tinh thần đều được tái hiện chân thực, để người dân và du khách như đi lạc vào nhà người dân bản địa mến khách, trong hành trình du lịch vòng quanh mảnh đất Điện Biên.

Mường Nhé đưa du khách đến thăm gia đình người Hà Nhì, với những nét độc đáo khác biệt vùng biên giới; Điện Biên Đông thu hút người dân trải nghiệm văn hóa dân tộc Lào; Mường Chà mời du khách bước vào nhà người Mông bình dị, yên ả... Còn với Tủa Chùa, cũng là không gian gia đình dân tộc Mông nhưng luôn rộn ràng, đón khách quý. Dưới mái hiên lợp lá xưa, người phụ nữ Mông thêu thùa, vẽ hoa văn sáp ong; trước sân, đàn ông Mông say sưa thổi sáo, thổi khèn lúc cao vút, lúc trầm vọng. Hòa với âm thanh ấy là tiếng cối giã gạo, cối đá xay ngô quen thuộc, tiếng giã bánh dày chắc nịch của vùng cao. Trong nhà, bếp than luôn rực đỏ, nồi thắng cố nghi ngút khói, cặp sừng trâu đựng rượu không khi nào vơi, sẵn sàng đón khách...

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Trên địa bàn huyện, dân tộc Mông chiếm hơn 72%. Vì vậy chúng tôi mang đến ngày hội không gian văn hóa dân tộc Mông đậm đà bản sắc để giới thiệu tới người dân và du khách. Tại đây chúng tôi dựng nếp nhà truyền thống dân tộc và các nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ trên địa bàn huyện, như: Nghề truyền thống, ẩm thực, nhạc cụ, dân nhạc, dân vũ truyền thống... không chỉ trưng bày, giới thiệu, cho khách tham quan mà còn trải nghiệm, tự tay xay ngô, giã gạo, thổi khèn, cùng giao lưu, chuyện trò bên mâm thắng cố...

Âm nhạc, tiếng trống, chiêng vang lên, các nghệ nhân, người dân bản địa của các không gian văn hóa uyển chuyển trong điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Du khách được dịp hòa nhịp múa của các dân tộc trên địa bàn. Góc bên này chị em người Thái tưng bừng điệu xòe tươi vui; bên kia đồng bào Hà Nhì xúng xính váy áo xòe vòng trong tiếng trống chiêng gọi mời du khách; phía trong, các cô gái dân tộc Lào cùng du khách sôi nổi múa lăm vông; cuối đường, phụ nữ Khơ Mú đang hướng dẫn chị em dự hội múa đánh đao (tăng đao), lắc eo (ong eo)...

Anh Hoàng Thanh, du khách đến từ tỉnh Sơn La chia sẻ: “Cảnh sắc Điện Biên mùa này thật đẹp, lại được tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa đặc sắc các dân tộc đúng là trải nghiệm tuyệt vời. Qua các màn hát, múa và âm nhạc truyền thống trong không gian văn hóa đậm chất vùng cao này, tôi thấy mỗi dân tộc có nét đẹp riêng. Và các dân tộc nơi đây còn giữ được thật nhiều nét độc đáo, đặc trưng riêng có, thể hiện rõ bản sắc dân tộc mình”.

Không chỉ nếp sinh hoạt, dân ca, dân nhạc, dân vũ... mà đến với Lễ hội Hoa Ban, trong không gian văn hóa ấy, du khách còn được hóa thân thành các chàng trai, cô gái vùng cao, chơi các trò chơi dân gian, thể thao dân tộc truyền thống. Đó là ném pao, tung còn, đi cà kheo, tó má lẹ, đu quay, leo dây, bịt mắt đập niêu... Cả vùng cao tưng bừng vào xuân, đi chơi mùa hội như được thu nhỏ trong không gian này. Chị Nguyễn Bích Ngọc, du khách tỉnh Lào Cai cho biết: “Tôi thử chơi một số trò chơi dân gian của bà con nơi đây, có nhiều trò tuy khó nhưng rất vui và thú vị, mang lại nhiều cảm xúc đặc biệt, như trở lại tuổi thơ, tuổi trẻ hồn nhiên, không có áp lực của cuộc sống. Các trò chơi và không gian này cũng giúp kết nối các dân tộc với nhau, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong tôi”.

Với nhiều hoạt động như vậy, không gian văn hóa vùng cao không lúc nào ngớt khách tham quan, trải nghiệm, dù ngày hay tối, trong suốt những ngày diễn ra (10 - 13/3). Đây cũng là mục đích hướng đến của ban tổ chức. Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Các hoạt động trong không gian văn hóa vùng cao hướng tới sự tham gia của cộng đồng, nhân dân và du khách. Để mỗi người khi đến đây đều như được đặt chân đến bản làng vùng cao Điện Biên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động, văn hóa của bà con các dân tộc. Qua đó giới thiệu và quảng bá nét đẹp truyền thống các dân tộc tới bạn bè gần xa”. Vẻ đẹp ấy cũng là mảng màu đầy mê hoặc, cuốn hút đối với du khách thập phương yêu văn hóa truyền thống, thích khám phá các vùng miền. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa vùng cao Điện Biên đến gần hơn, để lại ấn tượng và lời hẹn với du khách.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top