A Sơn đi học

08:40 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 6512 In bài viết

ĐBP - Ở cả vùng núi Leng Su Phìn này ai cũng thương cậu bé Vừ A Sơn. Bé xíu mà đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ sinh ra A Sơn thì cũng vĩnh viễn về ngủ sâu trong lòng núi. Bố đi làm xa nuôi mẹ già và con nhỏ thì không may gặp tai nạn. Khi ấy A Sơn còn nhỏ lắm, chẳng biết và nhớ gì. Chỉ nghe người bản kể lại người ta đưa bố về, bà khóc hết nước mắt. Sơn còn nhỏ nên thấy đông người là thích, cho gặm bắp ngô với cái bánh giày là vui. Đâu biết từ giờ sẽ phải đơn độc đi trên con đường đời dài vô tận. Dài hơn cả những lối mòn ngoằn ngoèo như đường lên trời ở xứ núi này.

Bà nội đến mùa thì tra hạt, đến mùa thì hái bắp. Ngày giáp hạt, bà đi hái rau dớn, rau đắng trong rừng. Ngày mưa, bà đi mót từng cây nấm, cây măng. Bà già rồi, không đi được xa, không leo được cao. Tìm được gì thì bà cháu ăn nấy cho đến hết mùa mưa. Bà con trong bản vì thương cho hoàn cảnh éo le của hai bà cháu mà thi thoảng cho ít rau, ít bánh. Bộ đội Tuân thi thoảng ghé qua cho bà cháu ít trứng gà mà anh em ở trong đơn vị nuôi được. Bà để lại mấy quả trứng ấp cho nở thành gà con, nuôi lớn lên rồi gà đẻ trứng. Bà dành dụm từng quả trứng ngon nuôi A Sơn lớn.

Rồi cũng đến ngày Sơn vào lớp 1. Các cô giáo đón Sơn tận nhà. Đến quyển vở, cái bút cô giáo cũng mua giúp. Bộ đội Tuân còn mua cho Sơn bộ quần áo và đôi dép mới tinh.

Dần lớn lên, Sơn mới hiểu hơn hoàn cảnh của mình. Sơn trầm hơn các bạn, nhưng luôn cố gắng chăm chỉ học tập. Bà bảo Sơn phải học giỏi để lớn lên làm nhà đẹp ở, chứ nhà mình đang ở dột ướt hết rồi. Giờ bà già yếu rồi, bà không còn đi rừng được nữa. Sơn ở lại trường bán trú. Thi thoảng mới về nhà thăm bà.

Ở trường, ai cũng tốt với Sơn cả. Nhưng bao năm học, có lẽ điều Sơn suy nghĩ nhất chắc là việc họp phụ huynh đầu năm. Đầu năm học, các bạn ai cũng có bố hoặc mẹ đưa đến trường, còn mang thêm bao nhiêu đồ ăn, gạo nước, bánh trái ở bản xuống cho con ăn học ở trường. A Sơn thì tất nhiên là không có ai rồi. Mà nhà bà nội với Sơn cũng không có gì để mang đi. Mà nếu có chắc bà cũng không đủ sức mà mang xuống cho Sơn nữa. Nhưng không sao, Sơn luôn thấy đồ ăn ở trường rất ngon. Dù Sơn có từ chối, các bạn cùng lớp vẫn chia cho Sơn miếng bánh dày, miếng thịt rừng ướp mắc khén sấy khô thơm lừng.

Mỗi đầu năm, cô giáo đều mời các phụ huynh đến họp. Các bạn có bố mẹ tới họp, và thường là bố tới nhiều hơn, vì bố quen đi xa, bố lại biết tiếng phổ thông nhiều hơn mẹ. A Sơn có bà. Sơn bảo hay là mình xin phép cô giáo không tới họp, vì đường xa mà bà già yếu rồi. Bà bảo không sao, bà muốn đến một lần cho biết nơi Sơn học. Bà sẽ nhờ người đưa đi. Và bà lên họp thật nhưng thật ra bà lên để thấy thằng cháu nội với trường lớp, nơi ăn, chốn ngủ là chính, chứ bà có biết nhiều tiếng phổ thông đâu. Bà nghe nhưng không hiểu hết ý cô giáo nói, và cũng không biết nên hỏi cô giáo điều gì. Nhưng cô giáo của Sơn dường như hiểu mọi điều, cô nói chuyện với bà những điều đơn giản. Cô bảo bà cứ yên tâm, A Sơn học ở đây sẽ có thầy cô quan tâm, giúp đỡ. Cô còn khen A Sơn với bà nữa. Có lúc cô giáo còn nói bằng cả tiếng Mông. Bà nghe ra và nở nụ cười rất mãn nguyện.

Năm nay, A Sơn được vào trường cấp 2 ở huyện học nhưng không còn ai đi họp cho Sơn nữa. Không biết rồi Sơn có thể đủ quyết tâm để một mình đến trường, một mình theo học đến cùng như lời bà mong muốn trước khi cũng theo bố mẹ Sơn về ngủ yên trong núi sâu. Sơn chuẩn bị túi quần áo, ngần ngừ chưa muốn bước ra khỏi căn nhà trống để đến trường. Bỗng có tiếng gọi vọng xa từ cổng nhà:

- A Sơn có nhà không?

Bộ đội Tuân vừa vào nhà đã đưa cho Sơn túi quà rồi hỏi ngay:

- Chuẩn bị đi học tới đâu rồi A Sơn?

- Cháu chuẩn bị hết rồi đây. Nhưng...

- Nhưng không có ai đi họp phụ huynh cho phải không? Để chú Tuân đóng vai bố đi họp cho nhé! - Chú Tuân vừa cười vừa vỗ vào vai Sơn.

Mắt A Sơn bỗng ánh lên nhưng chưa dám hỏi lại. Chú Tuân nói bằng giọng trầm ấm, vui vẻ:

- Nếu cháu không chê, thì làm con nuôi đồn biên phòng nhé, chú Tuân làm bố đỡ đầu.

- Chú nói thật chứ ạ?

- Bộ đội Cụ Hồ chưa nói dối cháu bao giờ.

Và thế là Sơn trở thành con nuôi của các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Leng Su Phìn. Hàng ngày Sơn được sống trong tình yêu thương của bố Tuân, của các chú. Sơn ăn, ngủ và tự giác học tập một cách khoa học theo giờ giấc của các chú bộ đội. Hàng ngày Sơn còn được các chú đưa đến trường, và quan trọng nhất là từ giờ Sơn đã có “bố” đi họp phụ huynh cho. Trong Sơn, những quyết tâm cho tương lai chưa bao giờ rõ rệt như bây giờ. Sơn thật sự muốn trở thành một chú bộ đội bảo vệ vùng biên cương này...

Truyện ngắn của Thùy Giang
Bình luận

Tin khác

Back To Top