Phép chữa lành cho mỗi người

14:25 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 6706 In bài viết

Là một cuốn sách kể về hành trình chữa lành của cậu bé 12 tuổi nhập cư đến Mỹ, tiểu thuyết “Truyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)” từng được trao giải thưởng Michael L. Printz của Hiệp hội Thư viện Mỹ, giải thưởng Judy Lopez Memorial Award for Children’s Literature và Middle East Book Award for Youth Literature. Mới đây, cuốn sách đã được NXB Kim Đồng in và phát hành.

Tiểu thuyết “Truyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)” mang đậm màu sắc tự truyện khi cậu bé Daniel 12 tuổi kể về câu chuyện bản thân và gia đình mình. Daniel là người tị nạn gốc Iran sống tại Mỹ, thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Cậu cô độc, chỉ có duy nhất một người bạn học khác lớp.

Mỗi đêm Daniel đều cố thức đến khi mắt nhức đỏ để có thể ngủ qua giờ chuông báo thức buổi sáng hôm sau. Cậu bé làm vậy chỉ để không phải lên chuyến xe buýt đến trường đầy trò bạo lực của đám học trò. Cậu không có đồ ăn nên vào giờ ăn trưa cậu lẩn vào thư viện, cậu đi bộ la cà một mình sau khi tan học.

Mẹ, chị gái và cậu cũng sang Mỹ. Mẹ vốn là một bác sĩ giờ chỉ được làm lao công trong bệnh viện. Mẹ đi bước nữa, như chị cậu nói, chỉ vì muốn cậu có một hình mẫu đàn ông. Dượng cậu dạy cậu cách thực hiện các cú đá nhưng lại nói chuyện với mẹ cậu bằng các nắm đấm. Chị gái cậu làm mọi cách để giống một người Mỹ bình thường, nói tiếng Anh như mọi người, học Toán thật giỏi và mơ ước vào Harvard.

Thi thoảng, bố cậu gọi điện thoại cho cậu từ Iran. Bằng tiếng Farsi, ông kể những truyền thuyết của người Ba Tư, về dòng dõi hoàng tộc của gia đình, và gọi cậu là Khosrou theo tên một vị vua vĩ đại.

Những ký ức đan xen với câu chuyện hiện tại bắt đầu được mở ra khi cô giáo của Daniel giao cho cậu bài tập đứng lên trước lớp kể về bản thân và gia đình. Daniel đong đếm từng mẩu vụn trí nhớ mà cậu giữ được khi là cậu bé Khosrou sống như những hậu duệ vua chúa tại Iran đến lúc trải qua cuộc sống tị nạn khốn khó từ Du-bai qua Ý rồi đặt chân đến Mỹ.

Hiện thực và truyền thuyết Ba Tư được kể ngẫu nhiên lộn xộn, không theo trình tự thời gian, giống như cách nàng Scheherazade kể chuyện “Ngàn lẻ một đêm” vừa đẹp đẽ vừa bi thương, tạo nên một tấm thảm ngôn từ sinh động và tráng lệ.

“Niềm tin của bạn vào tương lai sẽ thay đổi cách bạn hành động ở hiện tại” - dũng cảm đối diện và đối thoại với cậu bé Khosrou, Daniel lần tìm về với những giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân, làm hòa với chính mình và mọi người xung quanh. Một cậu bé mười hai tuổi đã cam kết với bản thân rằng: "Nếu có con tôi sẽ không bao giờ bỏ chúng. Kể cả nếu chúng phải rời Trái Đất và tôi phải theo chúng ra ngoài bầu khí quyển, nếu có phải bám chặt vào chúng và ngạt thở mà chết, ít nhất tôi cũng giữ được các con bên cạnh. Tôi cũng sẽ không bao giờ đánh đập vợ mình, vì bất cứ lý do gì. Kể cả khi cô ấy đánh tôi trước".

 “Truyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)” là một tác phẩm văn học về bi kịch của con người giữa xã hội hiện đại kiên cường tìm về và khẳng định giá trị cơ bản của gia đình, quê hương, văn hóa, ngôn ngữ. Được nói ra và được lắng nghe là phép chữa lành cho mỗi người và cho các mối quan hệ, như Daniel khẳng định: “Nếu bạn lắng nghe, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện. Chúng ta sẽ biết nhau, hiểu nhau và rồi không còn là kẻ thù nữa”.

Cuốn sách cũng mở ra cánh cửa bước vào thế giới văn hóa Ba Tư vùng Trung Đông bí ẩn và giàu màu sắc. Đọc “Truyện buồn chẳng có thật đâu (thật đấy)”, độc giả sẽ được hiểu và làm bạn với những nền văn hóa khác.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top