Thổ cẩm dân tộc Lào thích ứng để phát triển

08:55 - Thứ Năm, 06/04/2023 Lượt xem: 5734 In bài viết

ĐBP - Thổ cẩm dân tộc Lào là “mảnh ghép” nổi bật trong bức tranh thổ cẩm truyền thống rực rỡ sắc màu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh ta. Nổi bật không chỉ bởi nét đẹp trong từng đường chỉ, họa tiết mà còn bởi thổ cẩm dân tộc Lào đã và đang được tích cực đưa ra thị trường, trong khi thổ cẩm các dân tộc còn lại dù đặc sắc nhưng vẫn chưa phát huy giá trị kinh tế, hoặc làm theo phương thức cá nhân nhỏ lẻ. Công cuộc này không ít khó khăn và những người gắn bó với thổ cẩm Lào vẫn loay hoay tìm đầu ra...

Du khách chọn lựa áo thổ cẩm của HTX Dệt thổ cẩm Pa Thơm trong không gian Lễ hội Hoa Ban năm 2023.

Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Pa Thơm (bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) thành lập tháng 11/2020 với 9 hội viên. HTX nhằm duy trì và phát triển nghề thủ công này, đồng thời quảng bá giá trị truyền thống dân tộc Lào thông qua nghề dệt và các sản phẩm độc đáo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho chị em trên địa bàn. Sau khi thành lập, HTX được Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tạo điều kiện tham gia một số hoạt động hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP; trưng bày gian hàng trong các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch tổ chức tại tỉnh nhà. Ngoài ra, HTX cũng tự kết nối tham gia 1 hội chợ hàng thủ công tại Hà Nội. Thông qua những hoạt động này, sản phẩm thổ cẩm dân tộc Lào Pa Thơm được nhiều người biết đến. Tuy nhiên mới ở giai đoạn “làm quen” với thị trường chứ HTX chưa tìm được đối tác ổn định.

Chị Lò Thị Vân, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Pa Thơm chia sẻ: “Khách tìm đến chúng tôi chủ yếu vẫn là khách lẻ, mua hàng tại các sự kiện hoặc tìm đến mua, liên lạc đặt may, dệt theo yêu cầu. Ngoài ra thì HTX cũng hợp tác với chị em ở Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) theo hình thức họ gửi chỉ lên, hội viên HTX làm công theo mẫu họ đặt, để bán cho khách du lịch”.

Mới đây, trong Lễ hội Hoa Ban năm 2023, HTX cũng mở gian hàng trong không gian Lễ hội. Trong 3 ngày trưng bày, bán được gần 10 triệu tiền hàng, chủ yếu là váy, áo, khăn dệt thủ công. Dù chưa có mối ra lớn, nhưng chị em HTX học hỏi được nhiều điều qua các chuyến đi. Chị Lò Thị Vân cho biết thêm: Trong Lễ hội vừa rồi, có rất nhiều chị thử áo, muốn mua nhưng không vừa vì kích cỡ HTX làm khá nhỏ. Mỗi lần đưa sản phẩm đi giới thiệu, chúng tôi biết thêm được nhiều điều, như mẫu mã, loại hàng gì đang được thị trường ưa chuộng; sản phẩm của mình đang yếu, thiếu ở đâu... Vì thế chúng tôi cải tiến sản phẩm, chất liệu, tạo thêm mẫu mã phù hợp với từng đối tượng khách. Ví dụ như khách nước ngoài thì ưa chuộng màu sắc trầm, hoa văn không cầu kỳ, sử dụng sợi bông tự nhiên nhuộm chàm. Chị em phụ nữ thì thích váy áo thổ cẩm nhưng vẫn cập nhật theo xu hướng, vừa truyền thống vừa hiện đại. Vậy nên khi đi đâu thấy mẫu áo đẹp là tôi chụp lại, lấy cảm hứng để cắt may. Cùng với đó thì cũng phát triển thêm một số mẫu hàng như túi, khăn choàng trẻ em, khăn cổ, khăn trải bàn thô hoặc có hoa văn...” Còn nhiều ý tưởng để phát triển sản phẩm nhưng cái khó là vốn đầu tư. Đây là điều mà chị Vân vẫn luôn băn khoăn.

Còn HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên), hoạt động từ năm 2014, có 23 thành viên chính thức, thì đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, HTX phục hồi sản xuất, kết nối đầu ra ở nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh, cùng với nước bạn Lào. Doanh thu trung bình hàng năm trước dịch bệnh của HTX là khoảng 500 - 700 triệu đồng, có năm cao điểm thu về trên 1 tỷ đồng. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là vải thổ cẩm truyền thống từ tơ, sợi kéo thủ công, nhuộm màu tự nhiên từ cây chàm, củ nâu, cánh kiến, các loại lá rừng... HTX cũng luôn làm mới mình bằng các mặt hàng đa dạng, phong phú, như: Túi, giày, khăn, váy, áo, đệm ngồi... Ngoài ra, HTX còn mở rộng diện tích trồng bông, khôi phục giống bông cho ra sợi vải màu nâu tự nhiên, được nhiều đối tác ưa chuộng, đặt hàng.

Chị Lò Thị Viên, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Lào bản Na Sang II cho biết: “Năm nay HTX xuất hàng cho khách Hà Nội và bán trong tỉnh là chính. Ở Hà Nội, ngoài cửa hàng thổ cẩm, quà tặng lưu niệm tại phố cổ Hà Nội, chúng tôi có thêm khách mới làm hàng xuất khẩu, từ đầu năm đến nay đã xuất 3 đợt, mỗi lần 200 - 300m vải thành phẩm. Thị trường Điện Biên cũng tiêu thụ thổ cẩm khá hơn những năm trước, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng quà tặng, lưu niệm phục vụ khách du lịch. Còn thị trường các tỉnh miền trong và Lào, năm trước có một vài mối thì hiện tôi vẫn chưa đi kết nối lại được”.

Thổ cẩm dân tộc Lào thường có sắc màu rực rỡ với nhiều họa tiết cầu kỳ, độc đáo: hoa rừng, cây cỏ, chim, voi, rắn, rồng, chùa tháp... Ngày nay, nhiều phụ nữ dân tộc Lào vẫn tỉ mỉ làm mọi công đoạn từ xe sợi, nhuộm màu, dệt vải. Khác với nhiều dân tộc vẽ hoa văn từ sáp ong hay thêu thùa, các họa tiết trên thổ cẩm dân tộc Lào được dệt trực tiếp cùng với quá trình hình thành tấm vải. Bằng trí tưởng tượng phong phú, tư duy hình ảnh và sự khéo léo, mỗi tấm vải thành phẩm là một bức tranh đa màu sắc, đa chi tiết mà vẫn cân đối, logic, như vẽ lên từ chính thiên nhiên xung quanh và cuộc sống thường ngày. Từ những mảnh vải ấy, từng tấm áo, chiếc váy, khăn, địu, đệm, túi, giày... được làm ra, thành những sản phẩm đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu khách mua. Thị trường tiêu thụ cho những mặt hàng độc đáo này có thể khẳng định là giàu tiềm năng. Tuy nhiên với các chị em vùng cao, thuần nông của các HTX kể trên, việc tìm kiếm, kết nối đầu ra vẫn còn là bài toán khó. Dù có nhiều nỗ lực, học hỏi, làm mới nhưng vẫn cần thêm sự quan tâm, trợ giúp của các cơ quan chuyên môn, làm sao để mỗi HTX đều sáng tạo, thích ứng để tồn tại và phát triển hơn nữa.

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top