Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vững chuyên môn, nghiệp vụ

08:42 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 6794 In bài viết

ĐBP - Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa là nhân tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này đang được các cấp, ngành triển khai thực hiện với nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực...

Cán bộ văn hóa cơ sở tham gia biểu diễn múa Lào tại lễ Bun Huột Nặm của đồng bào dân tộc Lào, bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh tới cơ sở được bổ sung, tăng cường về số lượng và từng bước được nâng cao về chất lượng. Tính đến cuối năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) có tổng số 326 công chức, viên chức; trong đó có 8 thạc sĩ, 233 người trình độ đại học, 36 người trình độ cao đẳng, 47 người trình độ trung cấp... Còn tại Phòng văn hóa và thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh có 29 công chức; trong đó, 2 thạc sĩ, 26 cử nhân đại học, trình độ cao đẳng 1 người. Trung tâm văn hóa - truyền thanh - truyền hình các huyện, thị xã, thành phố có tổng số 134 viên chức. Trình độ chuyên môn gồm 2 thạc sĩ, 81 đại học, 27 cao đẳng, 23 trung cấp... Đội ngũ công chức làm công tác văn hóa xã có tổng số là 147 người, có 108 cán bộ trình độ đại học, 12 cán bộ trình độ cao đẳng, 27 người trình độ trung cấp...

Song song với mục tiêu gia tăng về nguồn nhân lực thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hóa luôn được ngành quan tâm, chú trọng. Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: “Ngành khuyến khích công chức, viên chức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn có đủ phẩm chất và năng lực, có tư duy khoa học, sáng tạo, có cơ hội tiếp cận những kiến thức mới phục vụ công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của ngành. Trong giai đoạn 2018 - 2022, ngành đã cử trên 700 lượt công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ...”.

Không chỉ vậy, hàng năm ngành chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Trong giai đoạn 2018 - 2022, ngành VHTT&DL tổ chức 13 lớp tập huấn cho 740 học viên là đội ngũ cán bộ văn hóa các xã, phường, thị trấn; nghệ nhân thuộc các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, nội dung về nghiệp vụ văn hóa cơ sở; nghiệp vụ dân ca, dân vũ, nghệ thuật xòe truyền thống dân tộc Thái; tổ chức 8 lớp tập huấn cho trên 300 học viên về xây dựng nếp sống văn hóa; việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng quy ước, hương ước; xây dựng gia đình, thôn, bản văn hóa... Trong lĩnh vực du lịch, ngành tổ chức 26 lớp tập huấn cho 921 học viên về công tác quản lý nhà nước, đào tạo về du lịch cộng đồng, kỹ năng nghề du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; nghiệp vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch; kỹ năng nghề lễ tân, buồng, bàn, bếp, pha chế đồ uống; kỹ năng phục vụ, phát triển dịch vụ du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay); nhận thức về du lịch cộng đồng; kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với khách du lịch dành cho lái xe vận chuyển khách du lịch, lái xe taxi...

Tuy vậy, với đặc thù là tỉnh biên giới, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Minh Phú, hiện nay một số công chức, viên chức làm công tác văn hóa tại cơ sở chưa được đào tạo bài bản hoặc chuyên ngành đào tạo chưa phù hợp, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Không những thế, điều kiện vật chất, trang thiết bị kỹ thuật còn hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các hình thức học tập trong tình hình mới. Là tỉnh khó khăn nên Điện Biên chưa thu hút được nhân lực có trình độ cao, có tài năng về công tác trong các lĩnh vực của ngành VHTT&DL. Trong khi kinh phí chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng còn rất hạn chế...

Đứng trước những khó khăn đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Phú cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể. Trong đó, cần tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Trung ương, của tỉnh về xây dựng đội ngũ trí thức; phát triển nguồn nhân lực VHTT&DL trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục cử công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức, phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng chuyên ngành cho công chức, viên chức làm công tác văn hóa từ tỉnh tới cơ sở. Trong đó, cử một số công chức, viên chức đi đào tạo chuyên ngành có trình độ thạc sĩ trở lên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Ngành cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích mỗi người làm công tác văn hóa không ngừng tự trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn; tích cực nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ văn hóa công tác tại vùng dân tộc thiểu số phải am hiểu ngôn ngữ của đồng bào, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Cùng với đó là phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, có trình độ chuyên môn, có năng lực và phẩm chất đạo đức, tình nguyện công tác lâu dài tại tỉnh Điện Biên...

Để thực hiện đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” thì sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa ở Điện Biên cũng còn không ít việc phải làm. Nhưng có lẽ, một trong những bước đi thiết yếu bước đầu được triển khai là chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top