Cuộc sống qua ảnh

Ngậy bùi khẩu xén Mường Lay

07:14 - Thứ Bảy, 13/05/2023 Lượt xem: 5580 In bài viết

ĐBP - Khẩu xén là loại bánh được làm từ gạo nếp hoặc sắn, là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm mỗi dịp hội hè, cúng lễ của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái trắng Mường Lay. Những miếng khẩu xén giòn rụm, nhiều màu, bắt mắt đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo, hấp dẫn không thể thiếu khi nhắc tới Mường Lay, một thị xã nhỏ Tây Bắc, nơi giao cắt của ngã ba sông.

Tương tự như bánh chưng của người Kinh, khẩu xén thường được làm vào dịp cuối năm, là loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng lễ, tết của dân tộc Thái trắng. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, khẩu xén dần trở thành sản phẩm đặc sản đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực truyền thống về miền đất, con người Mường Lay; từ đó nhu cầu mua bán, tiêu thụ khẩu xén tăng cao. Khẩu xén không chỉ được làm mỗi dịp cuối năm mà nay được các bà, các mẹ làm quanh năm theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, đặc trưng, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Để làm được những chiếc bánh đậm đà, bắt mắt, việc chọn nguyên liệu được người dân vô cùng chú ý, tỉ mỉ. Bánh được làm từ gạo nếp nương, nếp cẩm hoặc sắn, sau khi lựa chọn, sàng lọc nguyên liệu có chất lượng tốt nhất thì bắt đầu nấu chín rồi xay nhuyễn. Trong quá trình xay nhuyễn, hỗn hợp sẽ trộn thêm các gia vị và bột màu tự nhiên. Sau đó, hỗn hợp sẽ được cán mỏng, hong gió cho se lại rồi cắt theo những khuôn hình nhất định; khi đã tạo hình cho bánh xong, các bà, các mẹ đặt bánh lên phên để phơi cho khô hẳn là có thể đóng gói và sử dụng.

Tùy vào khẩu vị của các lứa tuổi cũng như mục đích sử dụng, khẩu xén được chia làm nhiều loại, từ vị ngọt cho trẻ em, bánh mặn cho phụ nữ… những chiếc bánh thành phẩm được rán giòn, nở phồng rất bắt mắt, khi ăn ngoài cảm nhận vị ngọt thanh hoặc hơi đậm vị mặn của gia vị hòa quyện là béo, ngậy, thơm lừng của nếp mới, sắn mới, vừa lạ miệng lại thơm ngon đã tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn không thể bỏ qua mỗi khi nhắc đến ẩm thực của người Thái ở Mường Lay.

Sau khi nguyên liệu đã chín được đưa vào máy xay nhuyễn.
Cán mỏng là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo, quen tay khi ước lượng số hỗn hợp cần cán cũng như độ dày của bánh sau cho đồng nhất, đảm bảo hương vị thơm ngon nhất.
Sau khi được cán mỏng, bánh sẽ được hong gió cho se lại rồi cắt thành các khuôn mẫu nhất định.
Những chiếc bánh sau khi cắt sẽ được phơi cho khô hẳn rồi đóng gói và bày bán như một thức quà lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa ẩm thực của người Thái trắng.

 

Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top