Đề nghị bổ sung bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử trình UNESCO

15:20 - Thứ Hai, 15/05/2023 Lượt xem: 5235 In bài viết

UBND ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang thống nhất xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về việc bổ sung bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới.

Di tích bãi cọc Yên Giang. (Ảnh: Theo Bộ VH-TT&DL)

Trước đó, ngày 12/5 tại TP Hạ Long, UBND ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã tổ chức buổi làm việc thảo luận điều chỉnh thành phần hồ sơ và cho ý kiến dự thảo kế hoạch quản lý di sản “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”.

Tại Hội nghị, các ngành chức năng, nhà khoa học, chuyên gia đã thống nhất đề nghị bổ sung di tích bãi cọc Bạch Đằng vào hồ sơ Yên Tử. Theo đó, trong quá trình triển khai đơn vị tư vấn đã lựa chọn ba điểm là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng đưa vào bảng trình bày tên 32 di tích để nghiên cứu xây dựng hồ sơ.

Đối với việc xây dựng kế hoạch quản lý di sản, đơn vị tư vấn đã báo cáo một số nội dung như: Mô tả di sản; thực trạng bảo vệ và quản lý di sản; mục tiêu của kế hoạch quản lý; quy định pháp lý; giám sát; quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan tới việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới; phương án kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của tổ chức được giao quản lý, sử dụng di sản thế giới; đề xuất nhiệm vụ bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di sản thế giới và nguồn kinh phí thực hiện...

Được biết, hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước, xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, trải dài hàng trăm km2. Vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2020 đến nay, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã quyết liệt triển khai các công việc liên quan. Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác xây dựng hồ sơ; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế để xác định các tiêu chí, giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Yên Tử nói riêng trong Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" nói chung.

Đặc biệt, 3 địa phương đã mời các chuyên gia quốc tế, chuyên gia UNESCO sang Việt Nam để khảo sát, tư vấn. Riêng tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong tháng 3/2023 đã liên tục chủ trì làm việc với Bộ Ngoại giao, đại diện UNESCO tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới để tham vấn, góp ý hồ sơ đạt chất lượng cao nhất.

Đến nay, hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

Kết luận buổi làm việc, UBND ba tỉnh thống nhất xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc bổ sung di tích bãi cọc Bạch Đằng vào hồ sơ Yên Tử. Đồng thời, chỉ đạo, yêu cầu Sở VH-TT, Sở VH-TT&DL  các địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương bám sát thời gian, tiến độ theo kế hoạch để tập trung triển khai một số nội dung công việc. Đối với việc quản lý di sản, cần phát huy tối đa các ban quản lý hiện có, ban hành quy chế phối hợp của ba tỉnh; rà soát công tác quản lý tại địa phương.

Đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa bản thảo Hồ sơ đề cử, Kế hoạch quản lý di sản, các phụ lục theo Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới năm 1972 của UNESCO; tiếp tục dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đồng thời, xin ý kiến của các chuyên gia trong nước, quốc tế về các nội dung Hồ sơ Yên Tử; tổ chức làm việc trực tiếp với các chuyên gia trong nước và chuyên gia nội bộ quốc tế; tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng Hồ sơ và chuẩn bị bảo vệ Hồ sơ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.2023. Từ đó, hoàn thiện bản thảo Hồ sơ đề cử, Kế hoạch quản lý di sản và các thành phần phụ lục trình UBND, sau đó báo cáo Ban Thường vụ 3 tỉnh và Ban Chỉ đạo, gửi Bộ VH-TT&DL trước ngày 30/7/2023./.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top