Đến với bài thơ hay

Cây trong vườn Bác

06:19 - Thứ Bảy, 20/05/2023 Lượt xem: 4251 In bài viết

Không có gì lạ đâu

Cây trong vườn của Bác

Vẫn tre gai bên giậu mọc làm rào

Bưởi ở đầu hồi, sau mái là cau

Bông bụt đỏ màu hoa nơi cổng ngõ.

 

Mùa ổi chín

Bướm về ngang mặt cỏ

Tiếng ve vàng

Đàn tróp nép thân cau

Chim sẻ ngô ríu rít tận tầng cao

Màu hoa đổ trắng thềm như gạo nếp.

 

Không có gì lạ đâu!

Cây mít

Vẫn là cây mít mật của muôn đời

Thứ mít hương trong trấu ta vùi

Mùi hương dậy âm thầm không giấu được.

 

Cây cam mọc trong vườn của Bác

Cây khế vườn cá quả vẫn kho tương

Cây bưởi xanh cho trái bưởi vàng

Tôi đang đứng giữa mùa cây chín quả

 

Không có điều gì lạ

Và cây chẳng nói gì đâu

Cứ xanh um với cao, sâu bóng làng

 

Vườn Bác đã hóa bảo tàng

Trái hoa vẫn giữ mùa màng nhân gian.

Thạch Quỳ

Cây trong vườn Bác - Mùa màng nhân gian

Cây trong vườn Bác của Thạch Quỳ là một thi đề rất gợi cảm, giàu ý nghĩa biểu tượng và mang sức khái quát về đạo đức, phong cách sống lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giọng điệu chính của thi phẩm thể hiện sự trang trọng, kính phục khi nhà thơ đứng trong vườn cây trái của Bác mà nghĩ về cuộc sống thanh cao, giản dị của Người. Vì vậy, bài thơ nói chuyện cây trái nhưng ẩn chứa một niềm tôn kính thiêng liêng và bài học nhân sinh lớn lao trước tấm gương cao đẹp của Bác Hồ.

Hai câu thơ mở đầu được nhà thơ Thạch Quỳ viết một cách tự nhiên, giàu cảm xúc với sắc thái biểu đạt trang trọng để giới thiệu chung về phong cách sống của Bác Hồ lúc sinh thời: “Không có gì lạ đâu/ Cây trong vườn của Bác”. Thật vậy, để chứng minh cho sự “không có gì lạ ấy” ấy, tác giả đưa người đọc đi thăm vườn cây của Bác bằng việc miêu tả, phác họa đặc điểm của từng loại cây. Cây trong vườn của Bác vẫn rất quen thuộc, gần gũi với mọi người trong cuộc sống. Này là bụi tre gai mọc làm rào bên giậu, kia là cây bưởi đầu hồi, cây cau sau mái. Đặc biệt là hình ảnh cây bông bụt đỏ nơi cổng ngõ đi vào hiện lên thật ấm áp, thân tình như chính làng quê xứ Nghệ thân thương nơi Người sinh ra: Vẫn tre gai bên giậu mọc làm rào/ Bưởi ở đầu hồi, sau mái là cau/ Bông bụt đỏ màu hoa nơi cổng ngõ...

Không chỉ miêu tả cây cối trong vườn Bác, nhà thơ Thạch Quỳ đã dành những hình ảnh thơ đẹp nhất, giàu sức gợi cảm với một giọng điệu trữ tình, sâu lắng để khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên trong vườn cây của Bác vào mùa ổi chín. Bức tranh hiện lên rực rỡ sắc màu, tràn ngập âm thanh từ các loài vật tụ về làm mê đắm lòng người.

Trong rất nhiều loài cây hiện diện trong vườn Bác, nhà thơ Thạch Quỳ đã dành một khổ thơ riêng để viết về cây mít mật. Cũng chẳng có gì ngạc nhiên, vì đó là điều không xa lạ với mỗi chúng ta. Đây là loài cây dân dã, quen thuộc của làng quê Việt Nam từ muôn đời nay, gắn bó với người nông dân hai sương một nắng, nhưng có mùi vị thơm ngon đặc biệt, nhất là mùi hương “không giấu được” khi ta vùi trong trấu, cứ lan tỏa mênh mang như một nỗi niềm ấm áp. Rồi bao nhiêu loài cây khác nữa, từ cây cam ngọt thơm đến “cây bưởi xanh cho trái bưởi vàng”. Thú vị nhất là cây khế trong vườn Bác, loài cây sinh ra trái để kho tương với cá quả trở thành món ăn dân dã tuyệt vời. Điều thú vị là tác giả Thạch Quỳ sử dụng phép liệt kê ở đây thật tinh tế và khéo léo khiến người đọc gặp rất nhiều loài cây trong vườn Bác nhưng không thấy có sự thống kê giản đơn, khô khan kiểu sinh học mà lại rất giàu ý vị và tràn đầy cảm xúc thi ca: Cây cam mọc trong vườn của Bác/ Cây khế vườn cá quả vẫn kho tương/ Cây bưởi xanh cho trái bưởi vàng/ Tôi đang đứng giữa mùa cây chín quả...

Bốn dòng thơ cuối bài nhẹ nhàng với thể thơ lục bát dân tộc nên lắng sâu và tha thiết. Phải chăng đó là tiếng lòng của Bác gửi đến nhân dân mai sau? Cây chẳng nói điều gì, cứ xanh mát và tỏa rộng trong vườn mãi mãi. Dù Người đã đi xa, nhưng tất cả vẫn còn đó, vẹn nguyên, thanh bạch như chính cuộc đời Người lúc sinh thời: Vườn Bác đã hóa bảo tàng/ Trái hoa vẫn giữ mùa màng nhân gian.

Vâng, vườn cây của Bác nay đã hóa thành bảo tàng, thành địa chỉ thiêng liêng cho nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan. Nhưng cao quý hơn, trái hoa trong vườn cây của Bác đã thành một phần của mùa màng nhân gian vĩnh cửu - một mùa màng đẹp tươi, trù phú như mơ ước của Người lúc sinh thời.

Cây trong vườn Bác là bài thơ giàu cảm xúc và ý vị thơ ca của Thạch Quỳ viết về Hồ Chủ tịch. Từ cây trái trong vườn Bác, tác giả đã chuyển đến chúng ta một thông điệp về tư tưởng và phong cách sống của Người. Đó là phong cách sống gần gũi, thanh bạch và một tình yêu thiên nhiên tha thiết. “Không có gì lạ đâu” của cây trái trong vườn hay đó cũng chính là tình cảm thân dân, yêu dân, bình dị như nhân dân suốt đời của Bác.

Lê Thành Văn
Bình luận

Tin khác

Back To Top