Xã hộiVì trẻ em

Hãy “trả lại” tuổi thơ cho con trẻ!

00:00 - Chủ Nhật, 29/05/2016 Lượt xem: 4553 In bài viết
ĐBP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ nhịp sống hiện đại công nghệ số, sự vô tâm của những bậc làm cha, làm mẹ mà vô tình những đứa trẻ đang ngày càng mất dần đi tuổi thơ…

Sẽ tốt hơn nếu trẻ em được sống với tuổi thơ của mình và những trò chơi vô tư lành mạnh.

Một thực tế có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ khu vực dân cư thành phố và những nơi có điều kiện thuận lợi hiện nay, đó là hình ảnh những đứa trẻ “dán mắt” vào màn hình smartphone hay máy tính bảng, với rất nhiều trò chơi công nghệ, giải trí ảo. Thực trạng này càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Thậm chí, nhiều trẻ dành gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi cho các thiết bị công nghệ này mà quên đi các trò vui chơi thông thường, hoạt động ngoài trời khác. Sự vô tâm tưởng như vô hại của người lớn, vô hình trung lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ chìm trong “thế giới ảo” trên những chiếc smartphone. Cá biệt, có bậc phụ huynh còn sử dụng smartphone và máy tính bảng như một phương pháp hữu hiệu để “dỗ” trẻ khi chúng hờn dỗi hoặc “ăn vạ”. Tuy nhiên, chính điều này lại vô tình tạo thói quen xấu, khiến đứa trẻ trở nên bướng bỉnh hơn; có trẻ không chịu ăn, không chịu học... nếu không cho sử dụng điện thoại. Về lâu dài, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ.

Trường hợp của cháu Nguyễn Hà My (8 tuổi), phố 23, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) là một ví dụ. Tâm sự với chúng tôi, chị Tiêu Thị Hằng - mẹ cháu My cho biết: Trước đây cháu lười ăn nên chị thường lấy điện thoại để dỗ cháu. Vừa xem, cháu vừa ăn tốt. Lâu dần thành thói quen, cháu thường đòi điện thoại của bố, mẹ và người lớn để xem và chơi các trò chơi. Mới đầu chị không mấy bận tâm, nhưng càng ngày cháu càng hư, về đến nhà là mè nheo đòi điện thoại, rồi “dán” mắt vào đó suốt, có lúc đến giờ ăn, giờ ngủ nhắc nhở cháu còn tỏ thái độ khó chịu với cả người lớn trong nhà.

Không những vậy, mới đây thấy thị lực con kém, chị cho bé đi khám thì đã cận đến 2,75 đi ốp. Ngay lập tức, về nhà chị Hằng cấm tuyệt đối không cho bé sử dụng điện thoại. Nhưng điều khiến chị lo lắng hơn là càng cấm, bé lại càng trở nên bất mãn và cáu gắt với mọi người xung quanh. Mải mê với “thế giới ảo” từ smartphone và máy tính bảng khiến những đứa trẻ như My đang mất dần tuổi thơ, xa rời dần những trò chơi, hoạt động ngoài trời theo đúng lứa tuổi của mình.

Trẻ em xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà vui chơi khi ngày hè đến.

Cũng là một phương pháp dạy con sai lầm để lại hậu quả thấy rõ, đó là trường hợp gia đình chị Hoàng Thị Thắm, tổ 7, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Có tiếng là một người mẹ khắt khe, nên cậu con trai 9 tuổi của chị Thắm khá ngoan. Chị cho con sử dụng điện thoại, nhưng chỉ đơn thuần có chức năng nghe, gọi để liên lạc khi cần thiết. Phần lớn thời gian rảnh rỗi của cậu bé đều được chị xếp kín lịch học (cả trên lớp và học thêm), với lý do là “con chị nhận thức chậm”. Cậu bé gần như không có thời gian nghỉ ngơi, và tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, chị càng kỳ vọng, càng ép, thì lực học của cậu con trai lại càng có chiều hướng giảm sút.

Mới đây, thấy con có một số biểu hiện lạ, như: Hay ngồi một mình, cáu gắt khi có người hỏi, đôi lúc không kiểm soát được hành động, chị Thắm đưa con về Hà Nội khám thì phát hiện cháu mắc chứng trầm cảm. Khi nghe bác sỹ phân tích, chị mới nhận ra, chính việc giáo dục sai phương pháp của mình là nguyên nhân. Hiện nay chị Hằng đã đưa con về nhà, song vẫn phải sử dụng thuốc hỗ trợ thường xuyên và tái khám định kỳ. Tốn kém, vất vả, nhưng lại mang về hiệu quả “ngược”, đây đang là thực trạng chung mà không ít gia đình có điều kiện hiện nay mắc phải trong việc giáo dục con trẻ.

Trong khi đó, với những đứa trẻ dân tộc vùng sâu, vùng xa, thuộc các gia đình nghèo lại trái ngược hoàn toàn. Mặc dù hiện nay, nhìn chung trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm hơn, thông qua rất nhiều chính sách hỗ trợ; nhiều gia đình đồng bào dân tộc đã chủ động quan tâm tới con em mình. Hiện nay, trên 99% trẻ trong độ được đến trường và được quan tâm chăm sóc về sức khỏe; tình trạng trẻ em thiếu ăn giảm dần, song tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn ở mức cao (4% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, 4,3% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi)... Bên cạnh đó, các vấn đề: thiếu sân chơi, phải lao động từ sớm… còn phổ biến ở nhiều địa phương. Vẫn còn đó hình ảnh những đứa trẻ vùng cao 1 buổi đến trường, 1 buổi lên nương, chăn trâu, lấy củi, hoặc lao động vất vả để mưu sinh; hay dễ dàng thỏa mãn với những trò chơi tự tạo hết sức thô sơ, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, như: nghịch dao, leo cây, tắm sông suối...

Thống kê của ngành Lao động - Thương binh & Xã hội cho thấy, hiện nay toàn tỉnh còn trên 66.000 trẻ em khó khăn. Trong đó, hơn 65.000 trẻ sống trong các gia đình nghèo, gần 300 trẻ phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại; ngoài ra có tới trên 10.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tập trung vào các đối tượng trẻ em nghèo, trẻ em lao động xa gia đình… Đồng nghĩa với đó, thì cũng có ngần ấy trẻ đang thiếu hoặc không có được tuổi thơ đúng nghĩa.

Trẻ em thành phố vì dư thừa điều kiện mà mất dần tuổi thơ cho những trò chơi công nghệ “ảo”; trẻ em nghèo, trẻ em vùng cao, thì lại vì sự khó khăn, thiếu thốn mà cũng không có được tuổi thơ trọn vẹn. Hai hình ảnh đối lập, nhưng lại cùng phản ánh một vấn đề. Nguyên nhân thì có nhiều, song xuất phát chính vẫn là từ phía gia đình. Bằng sự vô tâm, thiếu khoa học trong cách giáo dục; bằng gánh nặng với miếng cơm manh áo và sự thiếu hiểu biết của những bậc làm cha, làm mẹ mà vô tình đã và đang cướp đi tuổi thơ đúng nghĩa của chính con em mình. Vẫn biết, cha mẹ nào cũng thương con, tất cả những việc họ làm, chỉ với mục đích chính là lo cho con cái, mong cho chúng có cuộc sống và một tương lai tốt. Nhưng sẽ tốt hơn và tốt nhất khi chúng được trả về đúng tuổi thơ, lứa tuổi của mình, với các trò chơi lành mạnh và tự do phát triển theo cách tự nhiên nhất.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top