Xã hộiVì trẻ em

Nghỉ hè của trẻ em vùng cao

09:34 - Thứ Tư, 31/05/2017 Lượt xem: 5226 In bài viết
ĐBP - Đối với trẻ em ở thành thị, dịp hè là quãng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn với các loại hình vui chơi, giải trí đa dạng sau 1 năm học tập căng thẳng. Nhưng đối với trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa có rất ít sân chơi dành cho các em. Không chỉ vậy, dịp hè với các em lại là những ngày phụ giúp gia đình, kiếm thêm thu nhập để chuẩn bị cho năm học tiếp theo…

Cuối tháng 5, đi dọc quốc lộ 12 tuyến Điện Biên - Mường Lay có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh trẻ em đang phụ bố mẹ thu hoạch lúa hoặc túm năm, tụm ba trông đàn trâu trên đám ruộng mới thu hoạch. Em Lò Thị Hà, bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, cho biết: Bình thường đi học em ở bán trú đến cuối tuần mới về nhà nên không phụ giúp gì được cho gia đình. Nên khi nghỉ hè, em phụ giúp bố mẹ công việc nhà. Công việc cũng không quá nặng nhọc mà phù hợp với sức của em. Khi thì đi chăn trâu, lúc thì đi nương lấy rau về cho lợn… Em thấy vui vì đã giúp được bố mẹ những việc đơn giản để bố mẹ có thời gian kiếm tiền cho chị em em ăn học. Những lúc không giúp việc cho gia đình, thì chúng em cũng chỉ chơi quanh nhà, đi tắm suối, khe hoặc hái rau, hái quả rừng… chứ không có trò chơi gì khác.

 

Đoàn viên Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện Mường Chà tổ chức Tết Thiếu nhi cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Mươn (điểm Trường Huổi Vang). Ảnh: Mai Giáp

Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Thanh, Bí thư Đoàn xã Mường Mươn, cho biết: Là một trong những xã đặc biệt khó khăn nên đời sống người dân nơi đây còn thiếu thốn trăm bề, bà con lo ăn còn chưa đủ nói gì đến lo chơi cho lũ trẻ. Trẻ em thì cứ trên 10 tuổi là phải đi theo phụ giúp bố mẹ trong những ngày nghỉ. Đứa ít tuổi hơn thì phụ bố mẹ trông em, coi nhà. Nói là gần 3 tháng nghỉ hè nhưng đây gần như trở thành mùa lao động, phụ giúp kinh tế gia đình của các em. Nếu như những ngày này trẻ em nơi thành thị được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các lớp bồi dưỡng năng khiếu, đi du lịch cùng gia đình hay đến các khu vui chơi, giải trí, thì sân chơi trong những ngày hè là điều mơ ước đối với trẻ em ở đây. Chính vì vậy, trẻ em vùng cao phải tự tạo cho mình những sân chơi sau thời gian phụ giúp bố mẹ, thường là tắm sông, suối, trèo cây... Nhưng cũng từ đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tích, như: Đuối nước, gãy tay, chân… ở trẻ em vùng cao, nhất là vào dịp hè.

Anh Hạng A Giàng, Phó Bí thư Huyện đoàn Mường Chà, cho biết: Với địa hình chia cắt phức tạp, giao thông cách trở, dân cư sống thưa thớt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc tập hợp, duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở đây rất khó khăn. Thêm nữa, đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội nơi đây còn thiếu và yếu khiến việc tập trung, dẫn dắt các em vào hoạt động tập thể gặp nhiều trở ngại. Cộng với những khó khăn về kinh phí nên chỉ có thể tổ chức được một số hoạt động vui chơi cho các em vào các dịp lễ như: Ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Rằm Trung thu. Thêm một nguyên nhân nữa là do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế, không tạo điều kiện cho các em vui chơi hoặc bỏ mặc các em tự vui chơi với nhau mà không quản lý sát sao. Trước những khó khăn như vậy, Huyện đoàn tập trung xây dựng kế hoạch và thường xuyên chỉ đạo đoàn xã, đoàn trực thuộc tổ chức hoạt động hè cho các em. Trong mỗi buổi sinh hoạt, cán bộ đoàn tổ chức những trò chơi lý thú lồng ghép với việc tuyên truyền cho các em kiến thức về an toàn giao thông, phổ biến kỹ năng an toàn để phòng tránh đuối nước… Ngoài ra, Huyện đoàn phối hợp với Dự án Phát triển vùng huyện Mường Chà hỗ trợ tổ chức các hoạt động hè cho trẻ em ở 3 xã: Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài; huy động các nguồn xã hội hóa để tổ chức Tết Thiếu nhi 1/6 cho các em. Những hoạt động này tuy còn ít và chưa đồng đều giữa các địa phương nhưng cũng phần nào tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em vùng cao trong dịp hè.

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top