Xã hộiVì trẻ em

Cần một “ngôi nhà chung” cho trẻ em thiệt thòi xã Nà Hỳ

09:43 - Thứ Năm, 09/11/2017 Lượt xem: 6602 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) xuất hiện nhiều trường hợp trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi nghỉ học, bỏ học. Phần lớn đều là trẻ mồ côi, là nạn nhân của tệ nạn ma túy và tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn. Vì hoàn cảnh khiến nhiều em trở thành lao động chính, phải nghỉ học đi kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Một số khác, ngoài thời gian ở trường, các em không có sự chăm sóc, quản lý của bố mẹ, không nơi nương tựa nên rất dễ bị lôi kéo nghỉ học.

Nà Hỳ là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Nậm Pồ với các dân tộc Mông, Thái và Dạo; cuộc sống chủ yếu sản xuất trên nương, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Chính vì cuộc sống khó khăn nên nhiều người đã tìm cách rời bỏ quê hương, rời xa gia đình, con cái vượt biên giới với hy vọng có được cuộc sống sung sướng hơn. Nà Hỳ cũng được xem là “vùng rốn” ma túy ở Nậm Pồ, là địa bàn hoạt động của các đối tượng, đường dây buôn bán trái phép chất ma túy từ Lào về Việt Nam và là thị trường ưa thích của các đối tượng bán lẻ ma túy. Hiện nay, nhiều gia đình trên địa bàn xã Nà Hỳ đã trở nên bần cùng, khánh kiệt vì ma túy; ngày càng nhiều hoàn cảnh éo le, đáng thương, nhất là trẻ em.

 

Các cơ quan, đoàn thể xã Nà Hỳ hỗ trợ gia đình em Thào Thị Tùng ở bản Sam Lang.

Ông Ngô Xuân Chiến, Bí thư Ðảng ủy xã Nà Hỳ cho biết: Hiện nay, xã Nà Hỳ có 47 người nghiện trong danh sách quản lý và 36 người xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc, chủ yếu thuộc các bản vùng cao: Sam Lang, Lai Khoang, Huổi Cơ, Sín Chải 1. Trên địa bàn xã hiện có 47 trẻ em từ 2 - 14 tuổi đang phải tự lo liệu cuộc sống, không đủ điều kiện ăn học vì hoàn cảnh gia đình: Bố lĩnh án tù vì ma túy, mẹ vượt biên tìm cuộc sống mới hoặc mẹ đi lấy chồng khác, con cái ở cùng ông bà già yếu hoặc là trẻ em mồ côi. Từ đầu năm học 2017 - 2018 đến nay, đã ghi nhận 2 trường hợp học sinh bỏ học hẳn vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhiều lượt học sinh nghỉ học, đi học không đều vì ở nhà lao động phụ giúp gia đình.

Chúng tôi đến thăm gia đình 2 em: Lý Cáo Mềnh (SN 2006) và Lý Mũi Mềnh (SN 2005) sống cùng ông ở bản Huổi Cơ. Ðồ đạc trong nhà cũng không có gì đáng giá ngoài chiếc giường, chiếc bàn gỗ uống nước và mấy chiếc nồi đã cũ. Khi chúng tôi đến, chỉ có người ông tên Lý A Pá ở nhà, Lý Cáo Mềnh đang đi học (lớp 4, Trường PTDT bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2) còn Lý Mũi Mềnh đang đi bế em thuê ở lán nương trong bản xa. Năm 2007, mẹ Mềnh bỏ 3 bố con đi lấy chồng khác vì bố Mềnh nghiện ma túy. Do nghiện nặng nên bố Mềnh cũng thường xuyên vắng nhà và năm 2015 phải lĩnh án tù vì ma túy. Từ đó đến nay, 3 ông cháu rau cháo nuôi nhau. Năm 2016, ông Pá đã quá già yếu, không đủ sức lao động để nuôi 2 cháu ăn học nên em Lý Mũi Mềnh đang học lớp 5, Trường PTDT bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2 phải bỏ học để đi làm thuê, nuôi ông và em. Ông Lý A Pá cho biết: Gần 10 năm nay, tôi đã gắng sức lao động và dành nhiều tình thương, mong muốn bù đắp phần nào những thiệt thòi cho chị em nó, đến tuổi cho chúng nó đến trường lớp cùng bạn bè. Nhưng nay, tuổi cao sức yếu, tôi không đủ sức nuôi 2 cháu nữa nên bắt buộc Lý Mũi Mềnh phải nghỉ học. Dù không muốn nhưng cũng không còn cách nào khác.

Ở bản Sam Lang có trường hợp 2 em: Thào Thị Tùng (SN 2009) và Thào Thị Nu (SN 2012). Cuộc sống gia đình đang vui vẻ, hạnh phúc bỗng nhiên tai họa ập xuống khiến 2 chị em Tùng và Nu phải sớm sống trong cảnh ly tan. Năm 2016, bố bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Một năm sau đó, mẹ bỏ đi Trung Quốc mưu cầu cuộc sống mới với lời hứa hẹn khi nào có nhiều tiền sẽ về mua quần áo đẹp cho 2 chị em. Sau đó, 2 chị em Tùng và Nu chuyển về sống với bà ngoại đã ngoài 60 tuổi. Cuộc sống 2 chị em bị xáo trộn từ đó. Em Nu học lớp mầm non 5 tuổi gần nhà, hàng ngày được cô giáo đưa đón nên đi học đều. Còn Tùng học tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2 cách nhà 12km. Từ ngày về ở với bà ngoại, Tùng hôm học, hôm nghỉ thất thường và đầu năm 2017 đã chính thức bỏ học về phụ giúp bà ngoại việc nhà, đi làm nương hoặc chăn dắt bò, dê thuê để kiếm tiền.

Trước tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học gia tăng, cấp ủy, chính quyền xã Nà Hỳ đã vào cuộc tìm phương án hỗ trợ, giúp đỡ và quản lý 47 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa trên địa bàn. Sau nhiều cuộc họp bàn, phương án được đưa ra là xã sẽ trích quỹ đất và huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà tình thương để chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện học tập cũng như quản lý các em.

Ông Ngô Xuân Chiến, Bí thư Ðảng ủy xã Nà Hỳ cho biết: Trong số 47 cháu thì số ít cháu đã được UBND xã xem xét và hưởng trợ cấp theo đúng quy định, phần đông thì hàng ngày vẫn tự mình vật lộn với cuộc sống. Vì vậy, sau khi họp bàn, xã thống nhất bố trí được quỹ đất trên 2.000m2 ở gần khu trung tâm. Hiện nay, xã đang tích cực kết nối với các ban, ngành của huyện và các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh với mong muốn xã hội hóa để xây dựng nhà tình thương cho các cháu. Sau đó, các cháu vào sinh hoạt tập trung tại “ngôi nhà chung” dưới sự quản lý của UBND xã, cùng sự phối hợp của phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện để bố trí người chăm sóc, hỗ trợ các cháu trong học tập. Hàng năm, xã sẽ tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa để có kinh phí duy trì hoạt động “ngôi nhà chung”, góp phần giúp các cháu có chỗ ở ổn định và có điều kiện học tập đầy đủ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Hưởng ứng chủ trương của xã Nà Hỳ, hiện nay, phòng đang nỗ lực kết nối, kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm với mong muốn quyên góp để xây dựng cho các em một “ngôi nhà chung”. Sau đó, đơn vị phối hợp, giúp đỡ xã Nà Hỳ trong chăm sóc, quản lý các cháu.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top