Xã hộiVì trẻ em

Tiếp sức cho trẻ khuyết tật đến trường

10:14 - Thứ Sáu, 29/12/2017 Lượt xem: 4228 In bài viết

ĐBP - Ông Trịnh Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Ðào tạo) cho biết: “Tổng số học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên đang được thụ hưởng chính sách theo Thông tư số 42/2013 (quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật của liên Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính) trong năm học 2017 - 2018 là 1.112 người, tăng 92 học sinh so với năm học trước. Số chênh lệch này là nhờ các cấp học huy động được tối đa học sinh ra lớp, tham gia học hòa nhập, đặc biệt là tại cấp mầm non và tiểu học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục. Các em thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như: khuyết tật vận động, câm, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ… Ngoài được miễn, giảm học phí, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục còn được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở và hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1 triệu đồng/người/năm học”.

 

Em Lý A Công (thứ 2 từ trái sang) bị khuyết tật câm, điếc bẩm sinh tham gia học tập hòa nhập tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (huyện Mường Nhé) được bạn bè cùng lớp yêu quý, nhiệt tình giúp đỡ.

Với chính sách quan tâm đặc biệt này cùng sự tích cực vận động, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên các trường, trẻ khuyết tật cùng gia đình đã dần gỡ bỏ rào cản mặc cảm, cho con đến trường để các em có thêm niềm vui, bớt tự ti và được tiếp cận tri thức, có thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống tương lai. Cháu Mào Quốc Trọng (5 tuổi), xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) không may bị khuyết tật vận động, khó khăn trong đi lại và chậm phát triển ngôn ngữ. Nhìn ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, háo hức của con khi thấy chúng bạn vui chơi, đến trường, gia đình Trọng không khỏi xót xa, nhưng nghĩ con khó theo kịp các bạn, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên bố mẹ Trọng còn băn khoăn việc cho con đi học. Sau nhiều lần giáo viên đến tận nhà vận động, phổ biến chính sách giáo dục của Nhà nước, gia đình đã quyết định cho Trọng tham gia học tập tại Trường Mầm non Lay Nưa từ năm học 2016 - 2017. Chị Sìn Thị Thảo, mẹ cháu Trọng chia sẻ: “Thường ngày, con luôn phải có người thân theo sát. Nay đi học, dù có nhiều lo lắng hơn nhưng được các cô giáo trong trường động viên nên gia đình yên tâm cho cháu tham gia các hoạt động tập thể cùng các bạn. Sau một thời gian đi học, con nhanh nhẹn và nói được nhiều hơn, chúng tôi rất mừng và có thêm niềm tin. Cháu dần quen môi trường mới, vui khi đến trường, nhờ vậy gia đình có thời gian tập trung hơn cho công việc, lo toan cuộc sống. Số tiền hỗ trợ hàng tháng của con phần nào đã giúp gia đình chăm sóc cho con đủ đầy, thường xuyên đưa đi thăm khám, đảm bảo sức khỏe hơn”.

Tại huyện Mường Nhé, số học sinh khuyết tật (HSKT) ra lớp năm 2017 - 2018, được hưởng chính sách hỗ trợ theo Thông tư 42/2013 là 124 học sinh, tăng 34 học sinh so với năm học trước. Ông Phan Văn Uyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, cho biết: Ðầu năm, giáo viên các trường đi từng bản, đến từng nhà huy động tối đa trẻ khuyết tật ra lớp và hướng dẫn cho các gia đình đưa con đi thăm khám, xác nhận tại trung tâm y tế để hưởng chính sách theo quy định của Nhà nước. Hầu hết các em học và ở bán trú tại trường, được bạn bè hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày; giáo viên chủ nhiệm cùng thầy cô nhà trường quan tâm đặc biệt, thường xuyên sát sao, nắm bắt tâm lý và tình hình đời sống, đồng thời phân công bạn thân cùng lớp giúp đỡ đặc biệt. Vì thế, trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn không xảy ra hiện tượng phân biệt đối xử, kì thị HSKT. Phụ huynh cũng yên tâm cho con em ra lớp, do đó số HSKT năm sau tăng hơn năm trước.

Không thể phủ nhận ý nghĩa của chính sách giáo dục dành cho người khuyết tật: không chỉ số trẻ đến trường tăng mà nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập, bình đẳng trong giáo dục cho mọi đối tượng tại các địa bàn vùng cao cũng được nâng lên. Kết quả dễ nhận thấy nhất là phụ huynh tin tưởng nhà trường để gửi gắm con em mình; trẻ khuyết tật có thêm nhiều kiến thức và đặc biệt là bớt mặc cảm, vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống. Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trung tâm, trường chuyên biệt hay đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập dành riêng cho HSKT; cũng không có giáo viên được đào tạo chuyên sâu về giáo dục trẻ khuyết tật nên việc chăm sóc, dạy dỗ các em còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, mong mỏi lớn nhất của cán bộ, giáo viên và gia đình có con em sinh ra không may mắn là trẻ khuyết tật có điều kiện học tập và môi trường rèn luyện tốt hơn để dễ dàng hòa nhập cộng đồng và phát triển tối đa khả năng vận động, ngôn ngữ, nhận thức…

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top