Xã hộiVì trẻ em

Siết chặt quản lý nhóm trẻ gia đình

08:55 - Thứ Năm, 28/06/2018 Lượt xem: 3837 In bài viết
ĐBP - Cùng với những nhóm trẻ gia đình được cấp phép hoạt động, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ hiện còn không ít những cơ sở trông giữ trẻ chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất đến trang thiết bị phục vụ công tác dạy học và vui chơi cho trẻ. Ðiều đó đặt ra vấn đề cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý các nhóm trẻ gia đình, nhất là những nhóm trẻ đang hoạt động “chui” tại các khu dân cư.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhóm trẻ gia đình đã và đang phát triển rộng trong các khu dân cư, góp phần đáng kể vào việc huy động trẻ ra lớp, đồng thời, giúp phụ huynh yên tâm công tác, lao động sản xuất. Trong thực tế, khách hàng chủ yếu của những nhóm trẻ này là các gia đình công chức, viên chức hoặc lao động làm các nghề phụ, dịch vụ buôn bán nhỏ trên địa bàn thành phố. Họ tìm đến những nhóm trẻ này bởi lý do con còn quá nhỏ, chưa đủ tuổi đến trường mầm non công lập, hay không tìm được người trông con tại nhà hoặc vì tài chính eo hẹp… Thêm một lý do nữa được không ít phụ huynh chia sẻ là các nhóm trẻ gia đình khá thuận tiện về thời gian. Phụ huynh có thể gửi trẻ sớm, đón muộn hoặc đón về giữa buổi tùy thuộc vào bố trí công việc, thời gian của họ. Và cách họ chọn nơi gửi gắm con mình cũng hết sức đơn giản, theo chỉ dẫn của bạn bè, hàng xóm hay qua lời giới thiệu của một người đã từng có kinh nghiệm gửi con tại các nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, chất lượng nuôi dạy trẻ đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi trong thực tế, ngoài những nhóm trẻ đã được cấp giấy phép hoạt động, nhiều nhóm trẻ tự phát có cơ sở vật chất kém, đội ngũ trông trẻ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, chủ cơ sở phần lớn chú ý đến việc trông trẻ là chính, công tác giáo dục theo quy định chưa được quan tâm đúng mức, có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy, sức khỏe và an toàn cho trẻ. Chị Nguyễn Thị A., phụ huynh có con gửi tại một nhóm trẻ gia đình tại phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), chia sẻ: Sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản, chị trở lại với công việc. Nhưng do ông bà ở xa, gia đình chỉ có 2 vợ chồng mà con chị cũng chưa đến tuổi đi nhà trẻ công lập nên chị đành gửi cháu vào nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, gửi thì gửi vậy nhưng chị vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Bởi sĩ số của nhóm trẻ thường xuyên biến động, có lúc chỉ vài ba cháu nhưng cũng có lúc lên tới 10 - 15 trẻ. Trang thiết bị thì không có gì nhiều ngoài vài thứ đồ chơi đơn giản cho các cháu chơi chung. Ðiều khiến chị lo lắng hơn cả là việc phải gửi con cả ngày trong khi không biết việc sinh hoạt, ăn uống của con liệu có đảm bảo an toàn và khi xảy ra sự cố gì thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm… Việc gửi con vào nhóm trẻ gia đình là giải pháp tình thế bắt buộc, tháng tới con chị đủ tuổi vào lớp nhà trẻ, chị sẽ gửi cháu vào trường mầm non công lập để yên tâm công tác.

Có thể thấy nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn cho trẻ tại các nhóm trẻ gia đình, nhất là những nhóm trẻ tự phát, chưa được cấp giấy phép hoạt động. Ðiều này đặt ra vấn đề cần phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra đối với các nhóm trẻ này. Trao đổi với chúng tôi, ông Ðào Hoài Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TP. Ðiện Biên Phủ, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có 5 nhóm trẻ gia đình đang được cấp giấy phép hoạt động. Ðối với nhóm trẻ này do UBND phường, xã trực tiếp quản lý, còn Phòng chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn. Về trình tự, khi có cơ sở đề nghị được cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ gia đình, phòng cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra về cơ sở vật chất, chuyên môn, nghiệp vụ của người trông giữ trẻ… Nếu đáp ứng yêu cầu mới được cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra, Phòng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào có vi phạm, Phòng phối hợp với UBND xã, phường tạm đình chỉ hoạt động và yêu cầu hoàn thiện các điều kiện cần thiết trong thời gian sớm nhất. Các cơ sở, nhóm trẻ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đều được Phòng giải quyết, đúng thủ tục.

Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Nam Thanh, cho biết: Khác với các trường mầm non tư thục các nhóm trẻ gia đình tự phát chỉ nhận trông giữ vài ba cháu trong nhà riêng nên khá khó để phát hiện những vi phạm. Do vậy, phường triển khai cho công an khu vực, các tổ dân phố, khu dân cư theo dõi và phát hiện các nhóm trẻ chưa có giấy phép báo cáo về UBND phường để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong đó, tập trung vào hướng dẫn các thủ tục cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và trẻ… Vừa qua, trên địa bàn phường phát hiện nhóm trông giữ trẻ hoạt động tự phát, chưa có giấy phép hoạt động. UBND phường đã yêu cầu chủ cơ sở tạm dừng hoạt động và hoàn thiện các thủ tục theo quy định trong thời gian sớm nhất. Nếu không đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, sức khỏe, chuyên môn của chủ cơ sở, phường kiên quyết dừng hoạt động nhóm trẻ này.

Không thể phủ nhận những hiệu quả tích cực mà nhóm trẻ gia đình mang lại đối với ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, thế nhưng trước những nguy cơ về mất an toàn cho trẻ, sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành giáo dục trong công tác quản lý các nhóm trẻ gia đình, nhóm trẻ độc lập hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thế hệ mầm non tương lai của đất nước.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top