Xã hộiVì trẻ em

Ngăn chặn, xử lý tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em

10:14 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 3014 In bài viết
Thời gian qua, thực trạng phạm tội bạo lực và xâm hại trẻ em gây ra những bức xúc, lo lắng trong nhân dân và dư luận xã hội. Các cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc nhằm ngăn chặn, xử lý loại tội phạm này. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều khó khăn, nhất là việc xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Nguyên nhân, do việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo tội xâm hại trẻ em chưa kịp thời; công tác thống kê kết quả xử lý tin tố giác tội phạm còn bất cập; kỹ năng xử lý thông tin xâm hại trẻ em còn hạn chế; việc tố cáo, trình báo tội phạm còn chậm, dẫn tới việc tiếp cận hiện trường, thu thập bằng chứng hết sức khó khăn. Nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng kết quả điều tra, xử lý tội phạm. Nhất là, các vụ án xâm hại tình dục trẻ em thường nhạy cảm, nạn nhân và gia đình ngại tố giác, khiến xảy ra trường hợp trẻ em bị xâm hại nhiều lần; gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra trong cung cấp chứng cứ. Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng thiếu thống nhất, khiến một số vụ việc đến nay chưa xử lý được.

Thực tế cho thấy, vấn đề quan trọng nhất để ngăn chặn triệt để thực trạng tội phạm này là quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, nhất là từ gia đình và các cơ quan chức năng liên quan. Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng công an các địa phương chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân, nhất là kiến thức liên quan xâm hại trẻ em; đẩy mạnh thực hiện chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm. Gần đây nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản trả lời những băn khoăn, lo lắng của đại biểu Quốc hội về tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều biện pháp. Đáng chú ý, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và triển khai các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em như Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9-5-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó quy định và phân công rất rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp. Đẩy mạnh truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Nâng cấp Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 thành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) theo quy định của Luật Trẻ em. Phối hợp Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Phòng, chống nạn bạo lực và xâm hại trẻ em là một việc cấp bách, quan trọng và đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là nhà trường, các địa phương và từng gia đình. Được biết, gần đây, các nhà trường đã tăng cường giáo dục kiến thức về giới, kỹ năng phòng tránh bạo lực, bạo hành, xâm hại cho học sinh. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng cần được các cơ quan chức năng quan tâm, chú trọng triển khai rộng khắp và thực chất hơn nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà trường thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo hành, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cần tổ chức rà soát toàn bộ hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở nuôi dưỡng trẻ thiệt thòi, bảo đảm thật sự là môi trường an toàn cho trẻ em. Cần kiên quyết đóng cửa các cơ sở, chấm dứt hành nghề đối với mọi trường hợp vi phạm. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quan tâm, chăm sóc trẻ em, đồng thời có các giải pháp thu hút sự đồng tâm, hiệp lực của cả cộng đồng xã hội để ngăn chặn hiệu quả những nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top