Xã hộiVì trẻ em

Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em

“Tấm lá chắn” bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại

08:30 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 3774 In bài viết

ĐBP - Sau 2 năm triển khai tại 7 xã, thuộc 2 huyện: Mường Chà và Tuần Giáo, Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em (EVAC) đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc và phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị tổng kết năm tài chính 2018 và lập kế hoạch năm 2019 của Dự án EVAC tại tỉnh Ðiện Biên, các thành viên trong Dự án đã chỉ ra một thực tế rằng, hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân về các vấn đề an sinh trẻ em vẫn còn hạn chế; hiểu biết về xâm hại, bạo lực trẻ em còn chưa rõ ràng nên chưa biết cách tạo môi trường an toàn, lành mạnh nhằm bảo vệ trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, tình hình bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em lại diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn đối với trẻ… Trước thực tế đó, tháng 10/2016, Dự án EVAC được triển khai tại 7 xã: Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng, Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo); Hừa Ngài, Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà) để tổ chức các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng buôn bán người, xâm hại, bóc lột và các hình thức bạo lực khác. Sau 2 năm triển khai, Dự án đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em và được coi như “tấm lá chắn” bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương khỏi sự xâm hại, bóc lột và bạo lực thông qua sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.

Riêng năm 2018, Dự án EVAC đã tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ và định hướng nghề nghiệp, kỹ năng điều phối nhóm; tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Dự án đã tổ chức tập huấn cho 140 lượt cán bộ, giáo viên; 259 trẻ em được tham gia các khóa tập huấn; 648 lượt người và 2.323 lượt trẻ em được nghe truyền thông; 130 thanh thiếu niên được định hướng nghề nghiệp và kết nối việc làm; 73 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quản lý, can thiệp hỗ trợ tại cộng đồng; tổ chức 7 diễn đàn trẻ em cấp xã, 2 diễn đàn trẻ em cấp huyện, thu hút gần 1.900 trẻ em tham gia… Các địa phương triển khai dự án đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện các mục tiêu bảo vệ chăm sóc trẻ em, công tác phòng chống xâm hại bạo lực trẻ em và thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðối với 7 xã thuộc Dự án đã duy trì thực hiện các cuộc họp giao ban bảo vệ trẻ em, thực hiện tốt quy chế hoạt động của ban bảo vệ trẻ em, hướng dẫn ghi chép và lưu trữ quản lý hồ sơ hỗ trợ các dịch vụ cho đối tượng trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… với những nội dung thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương.

Là một trong hai huyện nằm trong Dự án EVAC, thời gian qua, huyện Mường Chà đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhận thức của người dân về thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được nâng cao và đã tạo được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Chà cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 17.200 trẻ em; trong đó có 135 trẻ khuyết tật, 55 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, 150 trẻ được trợ cấp hàng tháng… Thời gian qua công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó cơ sở vật chất, trang thiết bị vui chơi cho trẻ em ngày càng được cải thiện; cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em được tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng. Bên cạnh đó, Ban Bảo vệ trẻ em của huyện đã quan tâm chỉ đạo cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; nhờ vậy trẻ em ngày càng có cơ hội để thực hiện các quyền và bổn phận của mình. Trong quá trình thực hiện dự án, huyện đã tập trung rà soát, cập nhật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt theo mô hình thăm hộ. Ðồng thời, lập danh sách và đưa vào can thiệp trực tiếp cho nhiều hộ gia đình có trẻ em được hưởng lợi trực tiếp theo mô hình thăm hộ… Tính đến tháng 7/2018, trên địa bàn huyện Mường Chà có trên 6.300 lượt người được hưởng lợi trực tiếp từ Dự án EVAC; trong đó có hơn 2.600 lượt trẻ em.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Dự án EVAC, cấp ủy, chính quyền 2 huyện: Mường Chà và Tuần Giáo sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành trong thực hiện các hoạt động chương trình, dự án để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại bằng nhiều hình thức.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top