Xã hộiVì trẻ em

Xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ

09:16 - Thứ Tư, 12/06/2019 Lượt xem: 7779 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, mặc dù đã quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, song trên địa bàn huyện Mường Chà vẫn xảy ra những vụ tai nạn khiến trẻ em bị thương tích, tử vong. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB&XH) huyện Mường Chà, từ năm 2017 đến nay, đã có 6 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, 2 trường hợp bị đuối nước, 4 trường hợp tự tử bằng lá ngón. Ðó là chưa kể hàng chục vụ tai nạn thương tích do bạo hành, nô đùa đánh nhau, tai nạn giao thông chưa được các xã thống kê... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, huyện cũng có 2 trường hợp trẻ em tử vong do tử tự bằng lá ngón tại xã Hừa Ngài và Na Sang. Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó trưởng Phòng LÐTB&XH huyện Mường Chà, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do địa bàn huyện rộng, nhiều sông, suối; trong khi lại thiếu các điểm vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em nên nguy cơ trẻ bị tai nạn thương tích cao. Nhất là trong dịp hè, do không phải đến trường học tập nên các em thường tự vui chơi trước nhà, ven đường, ra sông suối tắm trong khi thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn.

 

Trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện Mường Chà được bác sĩ khám sàng lọc sức khỏe.

Ðể giảm thiểu nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ em, thời gian qua huyện Mường Chà đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho gia đình và xã hội, giúp các em được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được huyện chú trọng triển khai là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ trẻ em cho gia đình, nhà trường và xã hội. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực như: Tổ chức các lớp tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em tại các xã và một số trưởng bản; truyền thông cho cán bộ giáo viên, học sinh các trường; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của các xã; băng rôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi... Mặt khác, hàng năm huyện cũng tổ chức diễn đàn trẻ em nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện lồng ghép mục tiêu vì trẻ em, các vấn đề trẻ em cần quan tâm, thực hiện quyền và các chính sách cho trẻ em. Cuối tháng 5 vừa qua, huyện đã tổ chức thành công Diễn đàn trẻ em và phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề trẻ em”. Tại diễn đàn, 80 trẻ em các xã, thị trấn đã được tham gia thảo luận và đưa ra các kiến nghị, thông điệp chính về các vấn đề cần quan tâm, đồng thời được đối thoại, đặt câu hỏi để cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị của huyện trực tiếp trả lời. Tại diễn đàn, các em còn được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và UBND huyện tặng 80 suất quà (mỗi suất 400 nghìn đồng), một số cơ quan, đơn vị cũng ủng hộ Quỹ Bảo trợ em huyện với tổng số tiền 4,5 triệu đồng.

Ðáng chú ý, nhằm tạo điều kiện giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn, huyện đẩy mạnh xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Ðến nay, đã có 8/12 xã, thị trấn trên địa bàn đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Ngoài ra, Phòng LÐTB&XH còn phối hợp với Phòng GD&ÐT huyện chỉ đạo các trường lồng ghép nội dung phòng, chống tai nạn thương tích vào tiết học, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em; phối hợp với Dự án EVAC (Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ) của tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức truyền thông hạn chế tình trạng tự tử bằng lá ngón, phòng chống bạo lực học đường, mua bán trẻ em, tảo hôn; phối hợp Huyện đoàn triển khai tổ chức các hoạt động cho thanh, thiếu nhi trong dịp hè. Ðặc biệt, nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, giúp các bậc phụ huynh quản lý tốt con em mình, trong dịp hè năm nay, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện sẽ mở các lớp năng khiếu dạy võ thuật, cầu lông cho trẻ em trên địa bàn; tăng số lượng các đầu sách thiếu nhi tại Thư viện huyện để thu hút học sinh đến nghiên cứu, học tập. Qua đó, giúp các em được vui chơi, học tập trong môi trường an toàn, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận
Back To Top