Xã hộiVì trẻ em

Ðể trẻ an toàn, nghỉ hè trọn vẹn

08:56 - Thứ Hai, 17/06/2019 Lượt xem: 3686 In bài viết
ĐBP - Hè luôn là kỳ nghỉ dài đầy háo hức, vui thích đối với trẻ em nhưng lại là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh bởi nguy cơ tai nạn, thương tích khi không thể theo sát con em mình, lại không có không gian vui chơi an toàn cho trẻ.

Cuối tháng 5 vừa qua, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viên Ða khoa tỉnh) tiếp nhận trường hợp cháu Chang A V. 10 tuổi (xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa) trong tình trạng bỏng điện, độ II - III, bỏng 40% cơ thể tại nhiều vùng tay, chân, lưng, bụng, ngực, mặt. Ngày hôm đó, V. trèo lên cột điện bắn chim, không may bị giật, được người thân nhanh chóng đưa đến Trung tâm Y tế huyện sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên điều trị. Anh Chang A C. - bố cháu V. cho biết: Sau khi nghỉ hè, V. tự chơi quanh nhà với các bạn trong bản. Hàng ngày vợ chồng tôi bận đi làm, lên nương nên không thể trông con được. Lúc con được đưa đi cấp cứu rồi, có người báo tin thì tôi mới biết và đến viện ngay lập tức.

Từ giữa tháng 5 đến nay, riêng Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đã tiếp nhận gần 10 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, chủ yếu do bỏng nước sôi, bỏng điện, tai nạn giao thông, ngã cây. Những vụ việc này gây ra đau đớn về thể xác cho các em và có thể để lại di chứng đáng tiếc, thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, cuộc sống của các em. Ða phần những vụ tai nạn thương tích trên diễn ra ở vùng cao, những nơi thiếu chỗ vui chơi cho trẻ và thường bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm, giám sát của người lớn. Trẻ em rất hiếu động và tò mò, thích chạy nhảy, leo trèo, khám phá mọi thứ, chỉ một chút bất cẩn, lơ là cũng có thể đối mặt với nguy hiểm. Dù ở môi trường nào trẻ cũng vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn, đôi khi đó là những tình huống đơn giản nhất mà chúng ta không ngờ tới nên cần có sự quan tâm, chăm sóc, trông nom của người lớn.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam có 6 nhóm nguyên nhân gây tai nạn thương tích ở trẻ, bao gồm: Tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, ngạt thở, ngộ độc. Trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước chiếm tỉ lệ cao nhất. Ðể phòng ngừa những rủi ro này cho trẻ em, bác sĩ Mào Văn Sơn, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh không để trẻ chơi, nô đùa gần sông suối, ao hồ mà không có sự giám sát của người lớn; không cho trẻ chơi, nô đùa gần cột điện cao thế, trạm biến áp… Dạy trẻ biết cách tránh những nguy hiểm cơ bản như không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao… Ðồng thời cần làm rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại sông suối ao hồ, tại các trạm biến áp, cột điện cao thế. Khi gặp sự cố cần thông báo ngay cho người lớn ở nơi gần nhất, nhanh chóng sơ cứu nạn nhân và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời”.

Tai nạn thương tích ở trẻ em luôn xảy ra bất ngờ, đột ngột, không thể biết trước nhưng có thể hạn chế tối đa khi các bậc cha mẹ và người lớn có sự quan tâm, chăm sóc chu đáo con em mình; chú ý tạo ra không gian vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ. Và một điều đặc biệt quan trọng nữa là phải giáo dục, trang bị cho các em kiến thức tự bảo vệ mình, phòng tránh những nguy hiểm xung quanh, để mỗi dịp hè diễn ra thực sự vui vẻ, trọn vẹn đối với mỗi trẻ.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top