Xã hộiVì trẻ em

Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

09:01 - Thứ Sáu, 28/06/2019 Lượt xem: 15294 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh ta, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tuy không “nóng” như một số tỉnh, thành khác nhưng vẫn diễn ra khá phức tạp. Theo thống kê 5 năm gần đây (từ tháng 1/2014 - 5/2019), Tòa án Nhân dân 2 cấp đã đưa ra xét xử 42 vụ án xâm hại trẻ em với 46 bị cáo; trong đó có 19 vụ hiếp dâm, 18 vụ giao cấu và 5 vụ dâm ô.

Ðến nay, người dân bản Nậm Bó, xã Na Sang (huyện Mường Chà) vẫn chưa quên vụ cháu L.T.D (sinh năm 2005) bị đối tượng Vị A Sế (sinh năm 1987, trú tại bản Phú Múa, xã Mường Mươn dùng vũ lực xâm hại trên đường đi học về. Thời điểm đó, L.T.D đang là học sinh lớp 6. Theo các cơ quan tố tụng, hành vi của Sế là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý của trẻ em. Vì vậy, Vị A Sế đã bị xử phạt 13 năm tù về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Ðiều 142, Bộ luật Hình sự.

Thời gian qua, trẻ em trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều nguy cơ do tai nạn thương tích và đuối nước. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 1/2018 - 3/2019, toàn tỉnh có gần 3.000 ca tai nạn thương tích nạn nhân là trẻ em dưới 14 tuổi với gần 80 ca tử vong. Ðiển hình là vào tháng 3/2018, xảy ra vụ đuối nước thương tâm tại khu vực hồ thủy lợi Pa Lếch, bản Pa Lếch, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) làm 2 chị em ruột Lường Thị Ngân (sinh năm 2008) và Lường Văn Cường (sinh năm 2010) tử vong. Nguyên nhân là do 2 cháu đi làm ruộng cùng bố mẹ, sau đó tự ý vào hồ thủy điện chơi rồi bị ngã xuống hồ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của phụ huynh trong việc giám sát con em hoặc thiếu người trông coi. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa thường xuyên, sâu rộng nên trẻ em và một bộ phận những người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Cũng không thể không nhắc tới tình trạng thiếu các điểm vui chơi, giải trí lành mạnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 213.200 trẻ em dưới 16 tuổi. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em được các cấp, ngành liên quan chú trọng triển khai. Trong năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 2 hội thảo, 23 lớp tập huấn cho gần 1.100 cán bộ bảo vệ trẻ em cấp huyện, xã và cộng tác viên các kiến thức, kỹ năng truyền thông về phòng tránh xâm hại trẻ em, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em. Thông qua mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng được Tổ chức Unicef hỗ trợ tại 15 xã, đã có 185 trẻ được đưa vào hồ sơ quản lý và hỗ trợ các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đến trường, phòng, chống tảo hôn... Gần đây nhất, Diễn đàn trẻ em với chủ đề chung “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em” đã lần lượt được 4 huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Ðiện Biên Ðông tổ chức thành công với sự tham gia của gần 600 trẻ. Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương tổ chức các hoạt động với nội dung phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và các chính sách đối với trẻ em trong môi trường giáo dục và cộng đồng; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án và các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em. Mục tiêu là đảm bảo mọi trẻ em đều được tiếp cận các dịch vụ, chính sách, pháp luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.    

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top