Xã hộiVì trẻ em

Khơi nguồn sáng tạo trong thanh, thiếu niên và nhi đồng

08:42 - Thứ Năm, 08/08/2019 Lượt xem: 18457 In bài viết

ĐBP - Tất cả trẻ em đều tiềm ẩn tư duy sáng tạo vô hạn. Nếu các em được khích lệ, hướng dẫn, phát triển các ý tưởng có thể cho ra nhiều thiết kế, đồ dùng, thiết bị độc đáo, hữu ích cho cuộc sống. Sức sáng tạo ấy của các em đã được khẳng định tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019 với các mô hình sản phẩm có giá trị kinh tế - xã hội, khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tế.

 

Ðại biểu chiêm ngưỡng tác phẩm “Thổi hồn cho đá” của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên).

Sức sáng tạo vô hạn

Lần thứ 3 tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Ðiện Biên năm 2019 nhận được 97 sản phẩm của học sinh đủ các lứa tuổi tham gia dự thi. Ý tưởng sản phẩm của các em rất đa dạng, hầu hết xuất phát từ những vấn đề gần gũi trong thực tiễn. Mặc dù các em còn nhỏ, không có kiến thức chuyên môn bài bản về các lĩnh vực nhưng sản phẩm dự thi đều có sự chỉn chu, mới mẻ, đầu tư tìm tòi, nghiên cứu mà người lớn phải ngỡ ngàng.

Một số mô hình tiêu biểu như “Máy nén khí đa năng của em Nguyễn Văn Công, Trường THPT Mường Ảng (huyện Mường Ảng) với thiết kế sử dụng các loại nguyên, phế liệu đã qua sử dụng, quá trình vận hành đơn giản, gọn nhẹ, độ an toàn cao. Dự án “Thổi hồn cho đá” của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) lấy ý tưởng vẽ tranh trên nền đá cuội thay cho giấy, gỗ… vừa tiết kiệm, vừa kích thích khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng thông qua nội dung tác phẩm trên hình dạng tự nhiên của đá. Hay sản phẩm “Bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước thông qua việc sáng tạo ra truyện tranh: Những người anh hùng bất tử trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ” của nhóm học sinh Trường THCS Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) là truyện tranh sinh động, thu hút mà bám sát lịch sử về quá trình chiến đấu và hi sinh của các anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Trần Can, Phan Ðình Giót, Bế Văn Ðàn. Và còn rất nhiều sản phẩm độc đáo, ý nghĩa khác như: Máy sấy thực phẩm bằng năng lượng mặt trời điều khiển thông qua smartphone; rô bốt dò phá bom mìn; ứng dụng mô hình bay cho ngành Y và do thám; nồi xông hơi gia đình; đồ chơi phát triển tư duy số cho trẻ lớp 1, 2, 3; thiết bị hỗ trợ luyện tập bóng chuyền; trò chơi sân bóng trí tuệ...

Ðể ý tưởng được phát triển và thực hiện

Cùng với sự sáng tạo sẵn có và nỗ lực triển khai của các em học sinh thì vai trò của những người động viên, hướng dẫn, kèm cặp cũng hết sức quan trọng, giúp các em phát triển ý tưởng và hiện thực hóa một cách dễ dàng hơn. Ðó là các đơn vị tổ chức, cơ sở đoàn, đội, phụ huynh học sinh và đặc biệt sâu sát, hỗ trợ các em nhiều hơn cả là nhà trường cùng giáo viên các bộ môn liên quan. Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) có 3 nhóm học sinh với 3 sản phẩm sáng tạo tham gia dự thi cấp tỉnh và đều đạt giải (2 giải A, 1 giải B). 2 sản phẩm giải A còn tiếp tục có cơ hội khẳng định giá trị khi được gửi dự thi toàn quốc. Ðây là năm thứ 2 liên tiếp trường có học sinh đạt giải A sáng tạo cấp tỉnh. Thầy Bùi Tiến Phong, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết: “Ban đầu do còn bỡ ngỡ nên chỉ có 10 ý tưởng của học sinh khối lớp 9 gửi dự thi, sau khi được thầy, cô động viên, học sinh các lớp 6, 7, 8 đã hăng hái, sôi nổi đóng góp với tổng số 45 ý tưởng. Nhà trường giao cho Chi đoàn giáo viên phân công mỗi nhóm dự thi có 2 - 3 thầy, cô hỗ trợ. Trẻ em có nhiều ý tưởng rất hay, không ngờ tới nhưng chưa biết cách triển khai, thầy cô là người lắng nghe, nắm bắt ý tưởng của học sinh để hướng dẫn, giúp các em phát triển và thực hiện. Các giải pháp về cơ khí, kỹ thuật, học sinh chưa thể tự mình làm được thì thầy cô trực tiếp giúp đỡ”. Như với sản phẩm “Thổi hồn cho đá”, thầy giáo mỹ thuật là người hỗ trợ cuối cùng trong việc hướng dẫn các em trau chuốt nét vẽ cho tác phẩm đẹp hơn. Nhưng suy nghĩ ban đầu của các em chỉ là vẽ bức hình mình yêu thích lên đá để trang trí lớp học và nhà ở, nhà trường đã hướng dẫn các em phát triển ý tưởng lên thành những bức tranh theo chủ đề để nâng cao giá trị thẩm mĩ và giá trị sử dụng. Giáo viên môn sinh học hỗ trợ các em sáng tạo chủ đề con vật, giáo viên lịch sử hướng dẫn chủ đề chiến thắng Ðiện Biên Phủ và các sự kiện lịch sử khác. Nhờ đó sản phẩm “Thổi hồn cho đá” trở nên sinh động, thu hút và ý nghĩa hơn.

1 trong 5 sản phẩm xuất sắc giành giải A của cuộc thi là “Website Yêu chữ dân tộc Thái Việt Nam” của nhóm tác giả Khoàng Thị Chương, Lò Thị Kim, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Từ tình yêu đối với dân tộc mình (2 em là người dân tộc Thái) và thực tế phần lớn người Thái trẻ hiện nay không biết đọc, viết ngôn ngữ dân tộc mình, các em đã nung nấu dự định thiết kế trang web tự học chữ Thái trên máy tính và điện thoại. Khoàng Thị Chương kể lại: “Chúng em đã rất lúng túng không biết phải bắt đầu từ đâu vì vốn chữ Thái đều rất hạn chế, cả 2 cũng chưa biết gì về lập trình, phần mềm tin học, nhưng được thầy cô động viên, giúp đỡ, chúng em quyết tâm thực hiện đến cùng”. “Từ cuối năm 2018, chúng em được thầy giáo tin học bồi dưỡng thêm cho nhiều kiến thức công nghệ thông tin và hướng dẫn cách lên mạng tìm kiếm, tham khảo các trang web, ứng dụng học tập. Chúng em tranh thủ sau giờ học tự mày mò thêm về cách thiết kế phần mềm tin học đơn giản, đồng thời trau dồi, nâng cao thêm vốn từ ngữ tiếng Thái mỗi ngày” - Lò Thị Kim cũng cho biết thêm. Các em còn được nhà trường giúp kết nối gặp gỡ và xin tư vấn, hỗ trợ về kiến thức ngôn ngữ từ nghệ nhân ưu tú Lương Thị Ðại - người am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Trang web tích hợp đủ các phần học từ mới, quy tắc ghép từ, học đọc, viết, học qua video kèm các bài kiểm tra trình độ, với 2 khóa học cơ bản và nâng cao. Trang web còn có tính năng mở giúp người học tương tác và sáng tạo truyện ngắn để khắc sâu, thuần thục chữ viết, giảm tình trạng tái mù chữ sau khi học.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng tỉnh năm 2019 đã khép lại nhưng sự sáng tạo của các em học sinh vẫn tiếp tục được khơi nguồn và ngày càng phát triển hơn. Cuộc thi đã giúp các em - những nhà sáng tạo trẻ, nhà khoa học nhí tự tin hơn, thêm động lực sáng tạo và ứng dụng sáng tạo vào học tập, sản xuất và đời sống. Một tương lai với những mô hình, dự án vì cuộc sống tốt đẹp và hiện đại hơn đang chờ đợi và đặt nhiều niềm tin vào các em.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top