Xã hộiVì trẻ em

Phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Trách nhiệm không chỉ của cơ quan chức năng

08:56 - Thứ Hai, 26/08/2019 Lượt xem: 19910 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, tai nạn đuối nước ở trẻ em trong cả nước đã và đang là vấn đề đáng lo ngại được xã hội đặc biệt quan tâm. Tại tỉnh ta, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nhiều trường hợp bị tử vong. Nguyên nhân chính dẫn đến những sự việc thương tâm đó đa phần do sự chủ quan của gia đình, người lớn trong việc quản lý, nâng cao nhận thức cho trẻ.

Màn kịch “Phòng, chống đuối nước” của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, năm 2019.

Mới đây, 2 vụ đuối nước xảy ra tại xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) đã để lại nỗi đau rất lớn cho gia đình người gặp nạn. Theo đó, khoảng 16 giờ ngày 3/8, cháu Lò Văn T. (5 tuổi) trú tại bản Cảnh Lay trên đường đi chơi về, khi rửa chân ở suối không may bị lũ ống bất ngờ ập về cuốn trôi. Trong tình thế cấp bách, thấy bạn bị lũ cuốn, cháu Lò Văn N. (9 tuổi) trú cùng bản đã tìm cách cứu T. nhưng không may cũng bị lũ cuốn đi. Vụ đuối nước trên khiến cháu Lò Văn T. và Lò Văn N. tử vong. Cũng trong đầu tháng 8 vừa qua, một trường hợp trẻ em ở huyện Mường Chà không may bị tử vong do đuối nước. Theo xác nhận của chính quyền xã Ma Thì Hồ, nạn nhân là cháu Sùng A P. ở bản Hô Chim 1 gặp nạn khi cùng anh trai ra suối Nậm Chim chơi (cách nhà hơn 100m), không may trượt chân rơi xuống suối, bị nước cuốn trôi và tử vong. Ðây là trường hợp thứ hai tử vong do bị nước suối cuốn trôi tại địa bàn xã Ma Thì Hồ trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Qua tìm hiểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên. Song nguyên nhân chính vẫn là do sự chủ quan, lơ là của phụ huynh trong việc trông nom, nâng cao nhận thức và rèn các kỹ năng sống cho trẻ. Ông Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) cho biết: Là xã vùng cao, đời sống khó khăn, có những hộ sáng đi nương tối mới về nên việc chăm sóc con cái chưa được cẩn thận, chu đáo. Mặt khác, hàng năm, nhiều cơ quan chức năng tổ chức các lớp, các buổi tuyên truyền cách phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho phụ huynh, trẻ em thế nhưng để thay đổi nhận thức và tư duy của họ lại rất khó. Vấn đề là phụ huynh phải tiếp thu những kiến thức cơ bản để truyền thụ cho con em, dạy con mình các kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân khỏi những tai nạn có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Ðồng thời, phải quan tâm, để ý, chăm sóc con cẩn thận hơn.

Các trường hợp trẻ tử vong do đuối nước trên chỉ là số ít trong các trường hợp bị tai nạn đuối nước trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 19 trường hợp trẻ em bị đuối nước (chiếm 61,2% trong tổng những trường hợp bị đuối nước), trong đó làm chết 15 người (dưới 4 tuổi có 8 trường hợp; từ 5 - 14 tuổi có 7 trường hợp). Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên phần lớn là do trẻ qua lại hoặc vui chơi gần khu vực nhiều sông suối mà không có người lớn đi cùng. Cùng với đó, nhiều trẻ thiếu kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống dưới nước, các kỹ năng cứu đuối.

Ðể giảm thiểu tình trạng trên, các ngành chức năng cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, tai nạn đuối nước cho trẻ nói riêng nhằm cảnh báo những nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ tại các diễn đàn trẻ em, các buổi tuyên truyền trong trường học, trên phương tiện truyền thông, mở các lớp dạy bơi... Bên cạnh các hoạt động của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Ngoài việc trang bị cho trẻ kỹ năng bơi lội, mỗi phụ huynh cần quản lý chặt chẽ hoạt động vui chơi của trẻ; thường xuyên nhắc nhở trẻ không đến gần khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là trong mùa mưa lũ, từ đó góp phần đảm bảo sự an toàn cho trẻ, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top