Xã hộiVì trẻ em

Cùng suy ngẫm

Cần quan tâm hơn quyền lợi trẻ em

08:43 - Thứ Tư, 24/06/2020 Lượt xem: 18495 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Từ nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại ở các xã vùng cao, trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông. Các huyện: Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Tủa Chùa là những địa bàn có số trường hợp tảo hôn cao nhất trong tỉnh (theo số liệu năm 2019). Nhiều trường hợp trẻ đang đi học, chỉ sau một kỳ nghỉ lễ, tết đã bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng. Nhiều trẻ thuộc hộ nghèo, bỏ học sớm, không có việc làm ổn định, thiếu hụt kiến thức xã hội, kỹ năng sống cũng tảo hôn. Thực trạng này đã để lại nhiều hệ lụy đối với chất lượng dân số. Phụ nữ sinh con trong khi cơ thể chưa trưởng thành bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng; trẻ được sinh ra từ mẹ chưa trưởng thành làm tăng nguy cơ bệnh tật, sức đề kháng yếu, trong khi đó bố mẹ lại thiếu kinh nghiệm, điều kiện kinh tế để nuôi dạy chăm sóc...

Một khó khăn, thiệt thòi khác với trẻ sinh ra từ bố mẹ tảo hôn đó là vấn đề quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe. Theo Luật Bảo hiểm, trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm đặc biệt. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, trẻ đã được tham gia BHYT cho đến khi 6 tuổi mà không mất bất cứ khoản đóng góp nào. Và để trẻ được cấp thẻ, bố mẹ cần làm hồ sơ cấp thẻ; trong đó yêu cầu có bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh có đóng dấu công chứng; danh sách hoặc giấy đề nghị cấp thẻ BHYT của UBND xã, phường, thị trấn nơi trẻ cư trú... Tuy nhiên, đối với các cặp vợ chồng tảo hôn, vì cha mẹ chưa đủ tuổi nên chưa thể đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức cưới rồi về ở với nhau, sinh con đẻ cái. Thậm chí, nhiều trường hợp tự sinh con tại nhà. Vì thế, khi trẻ ốm đau, nhất là ốm nặng, phải điều trị dài ngày, mắc các bệnh cần điều trị với chi phí cao, ngoài khả năng chi trả của gia đình, quyền lợi của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thực tế, nhiều trường hợp đã được cơ quan y tế, bảo hiểm hướng dẫn, tạo điều kiện để hoàn thiện hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ. Song việc này cũng không hề dễ; vì nhiều trường hợp khi được hướng dẫn làm giấy khai sinh cho trẻ theo họ của mẹ thì gia đình không đồng ý (nhất là gia đình bố của trẻ). Hướng dẫn thủ tục để nhận cha - con, mẹ - con nhiều trường hợp không được ủng hộ. Lý do của việc này thì nhiều: Ngại làm thủ tục giấy tờ, trình độ nhận thức chưa cao... song quan trọng hơn cả là bản thân gia đình và bố mẹ của trẻ chỉ muốn chờ cho đủ tuổi để đăng ký kết hôn và khai sinh đúng họ bố.

Ðể giảm thiểu tảo hôn, nhiều chương trình, giải pháp, hoạt động đã được thực hiện (tuyên truyền vận động, tập huấn, tổ chức các câu lạc bộ, xây dựng hương ước, quy ước...). Tuy nhiên qua số liệu thống kê cho thấy hiệu quả chưa thực sự cao. Số liệu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2019 thậm chí còn cao hơn năm 2018. Ðây là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là khi các giải pháp đã thực hiện, sự tham gia của các cấp chính quyền, ngành chức năng không phải ít, song hiệu quả lại chưa như mong đợi...

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top