Xã hộiVì trẻ em

Trả lại ba tháng nghỉ hè cho học sinh

09:39 - Thứ Ba, 21/07/2020 Lượt xem: 18659 In bài viết

Những ai đã từng cắp sách đến trường đều không quên ba tháng mùa hè tuổi thơ, ngập tràn tiếng cười vui. Ấy vậy mà vài chục năm trở lại đây, học sinh đã mất dần đi ba tháng nghỉ hè trọn vẹn, nhất là khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo có chủ trương tập trung học sinh (tựu trường) trước ngày 5-9.

Học sinh chơi trò chơi vận động tại công viên Nghĩa Ðô (Hà Nội).

Lúc đầu mục đích tựu trường là tốt đẹp vì học sinh, bởi nhiều nơi không tổ chức được lớp mẫu giáo lớn 5 tuổi. Vì vậy, tựu trường sớm là cơ hội để các cô giáo dạy bù và "cày vỡ" cho trẻ vào lớp 1; nơi thuận lợi thì có thêm vài ba ngày để học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập, tập nghi thức và quan trọng hơn là tạo ra tâm thế hồ hởi cho lễ khai giảng và bước vào năm học mới. Tuy nhiên, giờ đây, ý nghĩa tựu trường đã bị biến tướng, thay đổi nhiều. Hầu hết các địa phương đã tranh thủ tựu trường sớm để dạy trước chương trình, luyện thi cho học sinh cuối cấp. Tình trạng trường trường, lớp lớp "lo học chạy hè cho kịp năm sau" khá phổ biến. Vì vậy, ba tháng nghỉ hè không còn nguyên vẹn. Ðiều đó vừa không đúng xu thế chung của nhiều quốc gia, vừa trái với mục đích giáo dục và không phù hợp thực tế xã hội của đất nước ta.

Có thể thấy, một số nước như Mỹ, Xin-ga-po hay Vương quốc Anh... đều có năm học chia ra thành từ ba đến sáu kỳ và tổng thời gian học sinh được nghỉ học đều là ba tháng. Cá biệt như Nhật Bản, năm học được chia thành ba kỳ, học sinh nghỉ học 2,5 tháng; Cộng hòa Pháp, năm học được chia thành năm kỳ, học sinh nghỉ học 3,5 tháng. Phần lớn các nước chia năm học ra các kỳ và khi học hết kỳ thì học sinh nghỉ học dài ngày, gọi là các kỳ nghỉ mùa hè, mùa đông và mùa xuân. Ở Việt Nam, nghỉ hè ba tháng vào tháng 6, 7 và 8 là hợp lý, do đây là những tháng khí hậu cực đoan, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời thường lên tới 35, 36 độ, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng học và sức khỏe của học sinh trong thời tiết oi bức. Trong điều kiện trời mát mẻ vào tháng 8 sẽ thuận lợi cho các trường tổ chức bồi dưỡng hè cho giáo viên và chuẩn bị chu đáo hơn cho năm
học mới.

Mặt khác, kỳ nghỉ hè dài ba tháng giúp học sinh đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và có điều kiện phát triển các kỹ năng sống cũng như bổ sung, tự hoàn thiện các nhu cầu tự thân, từ chính cuộc sống của trẻ. Một năm học với chín tháng miệt mài đèn sách quả là sự cố gắng rất lớn của trẻ. Ngoài ra, trong các hoạt động của con người thì hoạt động học tập được coi là tốn nhiều thời gian và gian khó nhất. Vì thế, chúng ta không thể tiếp tục kéo dài năm học, mà cần giảm bớt cho các em áp lực học hành, từ đó giảm nhẹ sức căng của hệ thần kinh, chuyển sang trạng thái, hình thức và nội dung giáo dục mới, hấp dẫn hơn. Tức là mở thông cửa trường, đưa học sinh hội nhập vào môi trường học thực tế, vốn rất sống động và phong phú.

Trong năm học, học sinh thường ít được trải nghiệm, thời gian nghỉ hè dài, rất quý giá để có thể bù đắp được sự thiếu hụt đó. Tìm hiểu, khám phá, liên hệ kiến thức đã học với thực tế, rèn luyện năng lực tự học, thói quen học tập suốt đời, kỹ năng đọc sách và tra tìm thông tin trên in-tơ-nét, cần được các nhà trường hướng dẫn chi tiết trước khi các em nghỉ hè. Các đơn vị, cơ sở giáo dục cũng cần thành lập các nhóm nhỏ tự nguyện, cùng hoàn cảnh, tham gia các câu lạc bộ hè về: Thể thao, nghệ thuật, giáo dục STEM, giáo dục tài chính, hướng nghiệp, khởi nghiệp hay theo học các lớp giáo dục kỹ năng sống chuyên biệt. Ðáng chú ý, môi trường, gia đình và xã hội hoặc những yếu tố rộng hơn như văn hóa, chính trị và kinh tế có vai trò rất quan trọng cho sự học tập và phát triển của trẻ. Ngày hè dài, là cơ hội tốt nhất để gắn kết các thành viên trong gia đình chặt chẽ hơn. Cha mẹ có nhiều thời gian dạy và thực hành cho con quy tắc vàng ứng xử và tôn kính bề trên. Những chuyến về quê, tìm lại cội nguồn. Những tua du lịch mở mang vốn sống, củng cố giá trị bản địa, vùng miền. Hay hòa cùng các hoạt động thiện nguyện ngoài xã hội, trong cộng đồng. Ðối với học sinh lớn, nghỉ hè là dịp rèn luyện tính tự lập, phụ giúp gia đình, tự kiếm tiền. Tùy mỗi gia đình sẽ lựa chọn những hoạt động phù hợp nhất để mang lại hiệu quả giáo dục hè tốt nhất cho gia đình và con cái mình. Ðối với giáo viên cũng cần có thời gian nghỉ hè dài để tự chăm sóc sức khỏe bản thân và hoàn thiện, nâng tầm chuyên môn. Xã hội đã phát triển, nhu cầu của giáo viên và gia đình cũng có thay đổi, họ cần tìm và hưởng thụ những ham muốn riêng. Vất vả quanh năm, nhưng có được ba tháng nghỉ hè để mọi thành viên trong gia đình quấn quýt hay tổ chức lao động, làm thêm chính đáng, tăng thu nhập, âu cũng là những mong muốn hợp thời và rất nhân văn của hầu hết các nhà giáo.

Mọi chủ trương mới trong giáo dục bao giờ cũng tạo ra những khó khăn hay thuận lợi cho người này hay tổ chức kia. Nhưng một khi vì học sinh, vì tương lai lâu dài của các em, thì luôn tìm ra được cách xử lý hài hòa và phù hợp nhất, giải quyết được những bất cập cũng như những xung đột lợi ích có thể xảy ra. Nhà trường quản lý giáo dục học sinh chín tháng trong một năm và gia đình và xã hội cũng cần có trách nhiệm, để vừa là gánh vác thay, vừa không "khoán trắng" sứ mạng giáo dục con em mình cho nhà trường. Có cá nhân hay nhà trường bằng nhiều cách để vận động, cá biệt có trường hợp ép gia đình học sinh cho con học kiến thức trong hè, cốt để tận dụng cao nhất nguồn thu là điều không có lợi cho giáo dục. Thế mạnh của các trường tư là được học cả ngày, đây là điều kiện thuận lợi thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học. Ðể học sinh được nghỉ học trọn vẹn ba tháng hè và sẽ không làm ảnh hưởng tới quỹ thời gian hoàn thành mục tiêu cao cả của các nhà trường. Sự phối hợp, liên kết thông minh giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ tạo ra kỳ nghỉ ba tháng hè thật sự bổ ích, đong đầy cảm xúc, đem lại cho trẻ những giá trị sống thật sâu sắc và in đậm trong tâm trí của mỗi đứa trẻ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top