Xã hộiVì trẻ em

Giảm thiểu đuối nước

Cần sự chung tay của gia đình và cộng đồng

10:28 - Thứ Tư, 22/07/2020 Lượt xem: 18650 In bài viết

ĐBP - Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên địa bàn tỉnh ta. Thống kê cho thấy, năm 2019 toàn tỉnh có 38 trẻ em tử vong do đuối nước, chiếm 50% số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích.

Trẻ em vùng cao thường tắm sông, suối mà không có sự giám sát của người lớn. Trong ảnh: Trẻ em xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa tắm trên sông Đà. Ảnh: Thu Hằng

Cuối tháng 8/2019, tại bản Sư Lư 2, xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 cháu tử vong gồm: Lò Thị Bình (SN 2014), Lò Thị My (SN 2016) và Lò Văn Việt (SN 2016). Trong đó, Bình và My là 2 chị em ruột. Anh Lò Văn Thái (bố đẻ của cháu Bình và My) kể lại: Khoảng 12 giờ 30, ngày 26/8/2019, khi đi làm về anh không thấy các con ở nhà nên vội đi tìm. Khi đến khu vực ao cá của hàng xóm (cách nhà gần 100m), thấy quần áo các cháu để trên bờ, nhìn xuống ao thì phát hiện thi thể của cháu My và Việt trên mặt nước, anh Thái hô hoán nhờ người giúp đỡ, vớt hai cháu lên. Sau đó người dân tiếp tục tìm kiếm thì phát hiện thêm thi thể của cháu Bình.

Để phòng, chống đuối nước cho trẻ, việc đầu tiên và quan trọng nhất là dạy trẻ biết bơi, cùng với đó là các kỹ năng cứu đuối. Đây là một trong những nội dung đã và đang được các ngành liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và du lịch, Đoàn Thanh niên từ cấp tỉnh tới cơ sở quan tâm triển khai. Giai đoạn từ năm 2016 - 2019, toàn tỉnh đã cử 21 lượt cán bộ, giáo viên và công chức văn hóa xã tham gia lớp tập huấn bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em do Tổng cục Thể dục Thể thao tổ chức; mở 59 lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho 2.145 trẻ em. Tính đến tháng 4/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 9/10 huyện, thị, thành phố tổ chức được hoạt động dạy bơi, lặn cho trẻ em. Các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn  cơ bản đảm bảo các điều kiện như: Có hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ, điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh theo quy định. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tuyên truyền trên 500 lượt về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. 

Việc trang bị kỹ năng bơi lội, cứu đuối cũng được rất nhiều phụ huynh quan tâm và chủ động đăng ký cho con học bơi. Chị Nguyễn Thị Phương (phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ) cho biết: “Ngay khi được nghỉ hè, gia đình tôi đã đăng ký cho con đi học bơi tại bể bơi ở tổ 4, phường Thanh Trường. Việc dạy kỹ năng bơi lội, cứu đuối cho trẻ là hết sức cần thiết, bởi đây là một trong những kỹ năng sinh tồn. Bên cạnh đó, học bơi còn giúp các con có thêm niềm vui trong mùa hè và tăng cường sức khoẻ, đặc biệt là cải thiện chiều cao.”

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động dạy bơi cho trẻ em mới chỉ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố và các huyện. Còn ở khu vực các xã vùng sâu, vùng xa, những nơi có nhiều ao, sông suối, việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em lại ít được chú ý và gặp nhiều khó khăn do thiếu điều kiện cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dạy bơi. Cùng với đó, vì mưu sinh nên nhiều phụ huynh thường để trẻ ở nhà tự trông nhau mà không có sự quan tâm, giám sát của người lớn. Đây cũng là nguyên nhân hầu hết các vụ đuối nước ở trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh thường tập trung ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn.

Để việc phòng, tránh đuối nước cho trẻ đạt hiệu quả, trước hết mỗi gia đình, mỗi bậc cha mẹ cần tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, giám sát con em, chủ động cho trẻ học bơi. Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, nhà trường tăng cường tuyên truyền, trang bị cho các em kiến thức về phòng, chống đuối nước; linh hoạt trong việc huy động nguồn lực từ ngân sách và từ nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo huấn luyện viên bơi, tổ chức các lớp phổ cập bơi cho trẻ em. Đồng thời quan tâm tạo những sân chơi bổ ích, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ, góp phần hạn chế những vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top