Xã hộiVì trẻ em

Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

09:07 - Thứ Hai, 28/09/2020 Lượt xem: 15153 In bài viết

ĐBP - Bệnh suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) là vấn đề thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết trong cơ thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển, hoạt động, tăng trưởng bình thường của cơ thể trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ cần nắm được những cách phòng chống bệnh SDDTE để chăm sóc sức khỏe con em mình phát triển một cách toàn diện.

Truyền thông lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ dinh dưỡng tại huyện Tủa Chùa.

Tại tỉnh ta, tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi vẫn còn cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (33,05% năm 2019), nhiều hủ tục tồn tại. Ðể phòng chống SDDTE, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Ðẩy mạnh truyền thông và duy trì thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cao điểm vào các dịp “Tháng hành động vì trẻ em”, chiến dịch uống vitamin A bổ sung và tẩy giun, “Ngày vi chất dinh dưỡng”; tuyên truyền “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại các huyện, thị, thành phố và các cộng tác viên dinh dưỡng. Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi, tẩy giun cho trẻ 24 - 60 tháng tuổi 2 đợt/năm. Hoạt động cân, đo chiều cao theo dõi tăng trưởng cho trẻ định kỳ; hàng năm triển khai điều tra tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em trên toàn tỉnh. Năm 2020, tổ chức các lớp giáo dục truyền thông - thực hành dinh dưỡng tại 6 huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Nguyên nhân dẫn đến SDDTE là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đủ về lượng và chất lượng, trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ, không được ăn bổ sung hợp lý (có thể ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn, thức ăn bổ sung quá nghèo nàn về dinh dưỡng), hay trẻ bị các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy cấp làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gián tiếp như điều kiện kinh tế gia đình, môi trường ô nhiễm, dịch vụ chăm sóc y tế chưa tốt, thiên tai xảy ra thường xuyên, hay do thiếu kiến thức nuôi con, cai sữa sớm cho bé, hoặc trẻ bị đẻ non… Trẻ bị suy dinh dưỡng có biểu hiện biếng ăn, ăn ít, chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Ngoài ra trẻ còn dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa... Khi trẻ bị suy dinh dưỡng thì da thường xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, trẻ hay buồn bực, quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhão, mất hết lớp mỡ dưới da bụng. Ðặc biệt, trẻ suy dinh dưỡng thường chậm phát triển vận động: Chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng...

Ðể tránh suy dinh dưỡng ở trẻ, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời gian mang thai. Ðặc biệt cần lưu ý cách phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở những trẻ sinh non, sinh nhẹ cân (dưới 2.500g) hoặc trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không bú đủ sữa vì những trẻ này rất dễ mắc suy dinh dưỡng. Cần cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; với những trường hợp thiếu sữa hay mất sữa thì cần dùng các sản phẩm sữa thay thế phù hợp với lứa tuổi. Khi trẻ ở độ tuổi ăn dặm, bữa ăn cần cung cấp đầy đủ các thành phần tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Khi trẻ bắt đầu ăn cùng thức ăn với cả gia đình thì cần lưu ý chế biến thức ăn nhỏ mềm để trẻ có thể nhai được. Ngoài việc đủ năng lượng từ chất đạm, chất bột đường và chất béo, trẻ cần được cung cấp đa dạng các loại rau quả khác nhau để hấp thu đủ các loại vitamin và khoáng chất.

Bên cạnh đó, để có thể phát hiện sớm trẻ bị suy dinh dưỡng từ đó có hướng điều chỉnh chế độ ăn kịp thời và có cách phòng chống hợp lý, gia đình cần liên tục theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ. Với những trường hợp trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: Sởi, tiêu chảy hay viêm đuờng hô hấp cũng nằm trong nhóm nguy cơ suy dinh dưỡng cao, cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ. Khi trẻ bị tiêu chảy, nhất thiết không bắt trẻ kiêng ăn, khi trẻ sốt cao nên cho uống nhiều nước và cho ăn thức ăn lỏng. Nếu tình trạng suy dinh dưỡng (hoặc nguy cơ suy dinh dưỡng) xảy ra liên quan đến tình trạng bệnh tật của trẻ, các mẹ cần hỏi ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp và có thể sử dụng thêm các thuốc và hợp chất bổ sung dinh dưỡng cho trẻ.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top