Xã hộiVì trẻ em

Quan tâm phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em

10:33 - Thứ Tư, 31/03/2021 Lượt xem: 11339 In bài viết

ĐBP - Mới đây, tại xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông có 2 học sinh tử vong do đuối nước. Câu chuyện buồn về tai nạn, thương tích (TNTT) ở trẻ em cùng những hậu quả xấu nhất vẫn tái diễn hàng năm trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm tỉnh ta có 2.000 trường hợp TNTT ở trẻ em, trong đó 70 - 80 trường hợp tử vong. Ðây là con số đáng báo động, cần sự quan tâm bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các sự cố thương tâm xảy ra từ cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ em vùng cao cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn để phòng, chống tai nạn thương tích. Trong ảnh: Trẻ em xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé vui chơi tại gia đình.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh ta hiện có gần 215.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Từ năm 2016 đến tháng 3/2020, tổng số người bị TNTT là 43.238 người (trong đó 12.629 là trẻ em, chiếm 29,2%), tổng số tử vong là 1.284 người (trong đó 320 là trẻ em, chiếm 24,9%). Qua phân tích các ca TNTT trẻ em nguyên nhân chủ yếu là do ngã, ngạt tắc đường thở, tai nạn giao thông, động vật hoặc côn trùng cắn, đốt, ngộ độc, đuối nước… Và nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị TNTT chủ yếu do thiếu sự giám sát của cha mẹ, người chăm sóc; thiếu kiến thức; địa hình hiểm trở, môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn… TNTT thường bất ngờ xảy ra, khó lường trước, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong hay những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và tinh thần. Và dễ xảy đến nhất là ở lứa tuổi học sinh mầm non, tiểu học vì các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh. Ðặc biệt TNTT có chiều hướng gia tăng trong những kỳ nghỉ hè, ít có sự giám sát của gia đình và nhà trường.

Ở nhiều địa bàn vùng cao tỉnh ta, không ít bố mẹ lên nương dài ngày, để con nhỏ ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau. Dù có tự lập sớm đi chăng nữa nhưng với sức khỏe, nhận thức, kỹ năng còn hạn chế thì việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNTT. Hàng năm tỉnh ta có nhiều văn bản, phối hợp liên ngành bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn chặn TNTT nhưng chủ yếu vẫn là những hoạt động truyền thông, tuyên truyền lồng ghép. Do kinh phí hạn chế nên những chương trình thiết thực như tập huấn kỹ năng, dạy bơi, sơ cấp cứu, xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống TNTT… ít được triển khai. Mới đây, sau vụ việc em bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành văn bản tăng cường các biện pháp phòng, chống TNTT cho trẻ em. Trong đó đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu vui chơi, nhà cao tầng...; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống TNTT cho trẻ em. Cùng với đó đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống TNTT cho trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, trường học…

Chung tay hạn chế TNTT ở trẻ nhỏ, các cấp, các ngành cần xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể; ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống TNTT trẻ em; tăng cường hoạt động kiểm gia, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, can thiệp cải tạo các yếu tố, nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Tất cả các hoạt động trong cộng đồng phải hướng đến sự an toàn cho trẻ. Tại những nơi nguy hiểm, mất an toàn phải có biển báo, rào chắn... để người dân và trẻ được biết. Nhưng quan trọng hơn hết trong công tác phòng ngừa này vẫn là nâng cao nhận thức, kỹ năng cho chính các em và các bậc phụ huynh. Trẻ nên được dạy cách phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm; thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như gậy, dao, kéo, súng đồ chơi; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, bị thương nhẹ, biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn… Cùng với đó cần duy trì sự gắn kết giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý và giáo dục để trẻ được cung cấp kiến thức, kỹ năng một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top