Xã hộiVì trẻ em

Nậm Pồ phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em

09:34 - Thứ Hai, 05/04/2021 Lượt xem: 11659 In bài viết

ĐBP - Còn hơn 2 tháng nữa là bước vào kỳ nghỉ hè của học sinh khối phổ thông. Ðây là thời gian cao điểm triển khai các hoạt động phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng theo hướng tích cực, từng bước giảm tỉ lệ tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ em...

Học sinh Trường phổ thông DTBT Tiểu học Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) tìm hiểu kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích trong giờ ra chơi.

Các cơ quan, đơn vị, đoàn thể huyện và UBND các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em thông qua các hình thức như: Tổ chức tập huấn, tư vấn cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em... Chính quyền một số xã đã chủ động phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội để gắn vào hoạt động của các tổ chức này việc động viên người dân thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” và cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã phù hợp với trẻ em, không có tình trạng tai nạn thương tích trẻ em. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tập trung vào tổ chức giao lưu văn nghệ với chủ đề “phòng, chống tai nạn thương tích ở gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội”, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông. Cụ thể như, Phòng Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều buổi học tập ngoại khóa, học tập chuyên đề có nội dung về kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em. Huyện đoàn tổ chức hoạt động sinh hoạt hè có lồng ghép dạy tập bơi cho trẻ em... Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ cho các đối tượng: Lãnh đạo UBND xã, công chức văn hóa - xã hội, hội LHPN xã, văn phòng - thống kê xã, chi hội trưởng, chi hội phó, hội viên phụ nữ, các trưởng bản, đoàn thanh niên các xã, bản, nhân viên y tế ở cơ sở; hướng dẫn trẻ em tại các trường học về phòng, chống tại nạn, thương tích trẻ em; kiến thức, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên, nhân viên y tế ở cơ sở... 100% nhân viên y tế thôn, bản nắm được các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích; cung cấp trang thiết bị phục vụ sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng và chăm sóc chấn thương thiết yếu tại các cơ sở y tế.

Nhận thức về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em ở gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội đã được nâng lên. Ðặc biệt, 100% trường học trên địa bàn đạt tiêu chuẩn trường học an toàn. Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Chà Nưa cho biết: Trường đã thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ; đồng thời, phân công nhiệm vụ và quy định rõ trách nhiệm vụ của từng thành viên trong ban chỉ đạo. Trường xây dựng các nội dung về trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích, đưa ra các biện  pháp phòng, chống tai nạn thương tích, như: Tuyên truyền, giáo dục can thiệp để giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích trường học; kiểm tra, phát hiện và khắc phục nguy cơ gây thương tích, tập trung ưu tiên các loại thương tích thường gặp (hóc dị vật, ngã, vật sắc nhọn đâm vào chân tay, đứt tay chảy máu, bỏng...). Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về các nội dung phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Trang bị tủ thuốc và các dụng cụ sơ, cấp cứu theo quy định...

Tuy nhiên, công tác phòng chống tai nạn thương tích của huyện Nậm Pồ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi cao, vực sâu; hệ thống sông, suối nhiều; vào mùa mưa thường xảy ra lũ ống, sạt lở bất ngờ. Không chỉ vậy, là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nên các gia đình ít có điều kiện quan tâm, giám sát đến trẻ em (đặc biệt vào các kỳ nghỉ hè); trình độ dân trí thấp, nhận thức, hiểu biết về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của một bộ phận người dân còn hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chăm sóc trẻ em còn nhiều thiếu thốn... Chính vì vậy, công tác này vẫn rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành và ý thức tự giác của các hộ gia đình, cộng đồng xã, bản đối với công tác chăm sóc trẻ em nói chung và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói riêng.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top