Xã hộiVì trẻ em

Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em

09:37 - Thứ Sáu, 23/04/2021 Lượt xem: 10515 In bài viết

ĐBP - Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, triển khai đồng bộ; nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt càng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiều trẻ em được tiếp cận, tham gia vào các chương trình liên quan tới giải quyết các vấn đề trẻ em từ đó giúp các em hiểu được quyền lợi của mình cũng như có điều kiện để phát triển toàn diện.

Trẻ em vùng cao huyện Tủa Chùa được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao góp phần phát triển toàn diện. Trong ảnh: Trường PTDTBT Tiểu học Sính Phình số 1 tổ chức văn nghệ lồng ghép truyền thông về phòng chống mua bán người cho học sinh.

Thực hiện Dự án “An toàn và lành mạnh: Chấm dứt tình trạng trẻ em bị mua bán và bị lạm dụng sức lao động tại tỉnh Điện Biên”, trong 5 năm qua (2016 - 2020) Tổ chức Trẻ em Rồng xanh đã phối hợp với tỉnh ta hỗ trợ đưa trở về đoàn tụ với gia đình tại tỉnh 281 trường hợp; đại diện pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân tại 10 phiên tòa; hỗ trợ trực tiếp cho 157 trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, bị khuyết tật, là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của mua bán người; xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 9 gia đình; xây dựng mới 5 công trình và sửa chữa 7 công trình nhà ở bán trú, nhà lớp học (bao gồm cung cấp trang thiết bị dạy và học)... Vừa qua tỉnh ta đã tiếp nhận hơn 4,4 tỷ đồng từ Tổ chức Trẻ em Rồng xanh tài trợ để tiếp tục thực hiện dự án nhằm tăng cường các dịch vụ hỗ trợ dành cho nạn nhân của mua bán người và giảm thiểu nguy cơ mua bán người và lao động trẻ em xảy ra tại cộng đồng trong 3 năm (2021 - 2023).

Tại huyện Mường Ảng và Tuần Giáo, dự án thực hiện cả 4 hợp phần hỗ trợ khẩn cấp và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân; hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và trở thành lao động trẻ em cho các đối tượng có nguy cơ cao; phát triển mô hình “cảnh báo sớm về mua bán người và lao động trẻ em” và giám sát, hỗ trợ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nạn nhân, các đối tượng có nguy cơ cao... Tại TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay và các huyện còn lại của tỉnh dự án hỗ trợ thực hiện hợp phần hỗ trợ khẩn cấp và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của mua bán người và trẻ em bị xâm hại. Một trong nhóm hoạt động dự án tập trung thực hiện đó là hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và trở thành lao động trẻ em cho các đối tượng có nguy cơ cao. Cụ thể dự án sẽ hỗ trợ trẻ em và thanh niên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của mua bán người được hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sinh kế và các dịch vụ hỗ trợ lâu dài khác dựa trên nhu cầu. Như giúp trẻ em và thanh niên có nguy cơ cao được đảm bảo các điều kiện sống cơ bản (thông qua việc hỗ trợ chi phí, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, khám chữa bệnh, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ cho các cán bộ công tác xã hội đến thăm và làm việc với các đối tượng có nguy cơ cao; hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật); thanh niên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của mua bán người được tiếp cận thông tin về đào tạo nghề và thị trường lao động, hỗ trợ các chi phí đi học nghề hoặc học cao đẳng, đại học...

Tại Tuần Giáo, để làm tốt công tác bảo vệ giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh; huyện đã chú trọng biện pháp phòng ngừa, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Song do tâm lý nhẹ dạ, cả tin, trình độ học vấn thấp, hiểu biết hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu việc làm... nên một số trường hợp đã bị đối tượng xấu lừa gạt, dụ dỗ lôi kéo bằng nhiều thủ đoạn; số nạn nhân bị mua bán vẫn còn, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em người dân tộc Mông, Thái. Ông Phạm Văn Hạnh, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thông tin: Giai đoạn 2018 - 2020 huyện đã tiếp nhận 1 nạn nhân bị mua bán do Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh Lào Cai bàn giao); đồng thời thực hiện hỗ trợ tâm lý, khám sức khỏe, hỗ trợ pháp lý để nạn nhân ổn định tâm lý, tinh thần. Từ đầu năm tới nay huyện đã phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng xanh, chính quyền cơ sở tiếp nhận 3 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán đưa về nơi cư trú. Để tiếp tục thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân, huyện Tuần Giáo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục, điều tra, đấu tranh, xử lý, hỗ trợ nạn nhân, dạy nghề, giải quyết việc làm; trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi nguy cơ là nạn nhân của hoạt động mua bán người. Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, lồng ghép với các chương trình, dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho nạn nhân có việc làm, ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Ông Hoàng Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Cùng phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng xanh thực hiện hiệu quả mục tiêu dự án đề ra, Sở đã triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy thực hiện công tác bảo vệ trẻ em trên toàn tỉnh góp phần giảm thiểu nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em; đồng thời phát hiện sớm, ngăn chặn, giải quyết, khắc phục kịp thời các hành vi, vụ việc xâm hại, ngược đãi, bạo lực, bóc lột trẻ em. Trong đó nhóm hoạt động truyền thông, giáo dục được tăng cường. Đặc biệt là truyền thông, quảng bá rộng rãi về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và ứng dụng Tổng đài 111 cho mọi người dân và trẻ em biết để thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em và liên hệ khi có nhu cầu cần được tư vấn, hỗ trợ.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top