Xã hộiVì trẻ em

Không chủ quan, lơ là trong phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em

08:54 - Thứ Hai, 14/06/2021 Lượt xem: 15474 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, tình hình tai nạn thương tích, nhất là ở trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Qua đánh giá, phân tích của cơ quan chức năng, ngoài các nguyên nhân khách quan thì một phần trách nhiệm thuộc về các bậc phụ huynh. Chính sự lơ là, mất cảnh giác của người lớn, khiến nhiều trường hợp bị tai nạn dẫn đến thương nặng, thậm chí là tử vong.

Đoàn Thanh niên xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để phòng đuối nước.

Mới đây, một sự việc đau lòng đã xảy ra trên địa bàn huyện Mường Nhé khiến một cháu bé tử vong. Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 7/6, cháu L.A.D. sinh năm 2018 ở xã Chung Chải cùng với 2 anh chị em ruột theo bố mẹ đi làm nương cạnh suối Nậm Sin. Do mưa lớn, nước lũ to nên bố mẹ D. đã dặn 3 anh chị em ở lại lán còn mình thì đi làm nương bên kia suối. Khoảng gần 12 giờ trưa, khi quay trở lại lán thì không thấy D. đâu nên đã đi tìm; đồng thời báo cho chính quyền địa xã biết để tìm kiếm. Nhận được tin báo, UBND xã Chung Chải đã huy động các tổ chức đoàn thể và người dân tổ chức tìm kiếm. Đến hơn 12 giờ trưa cùng ngày thì tìm thấy cháu D. đã tử vong do bị nước cuốn trôi. Trước đó không lâu, tại huyện Mường Ảng, do sự mất cảnh giác và chủ quan của phụ huynh đã khiến 2 trường hợp trẻ em trong độ tuổi mầm non tử vong. Theo đó, sáng ngày 25/5, cháu L. V. A. sinh năm 2016 và L. H. H. sinh năm 2018 (là anh em trong một gia đình), trú tại bản Né, xã Ẳng Nưa theo bố và bà đi gặt lúa. Do trời nắng nên cháu A. và H. về trước. Khi xong việc, bố và bà về đến nhà thì phát hiện 2 anh em đã tử vong dưới ao. Theo chính quyền địa phương, nguyên nhân được xác định có thể do các cháu chơi ở khu vực gần ao bị trượt ngã, hoặc trời nóng đã tự ý xuống ao tắm mà không có sự giám sát của người lớn, nên xảy ra sự việc đau lòng trên.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh xảy ra trên 43 nghìn ca tai nạn thương tích, trong đó, trẻ em chiếm khoảng 29%. Qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc, đuối nước...  Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành cùng nhiều cơ quan, đơn vị đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em; các biện pháp nâng cao ý thức bảo vệ trẻ cho gia đình và xã hội, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển. Chị Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng chia sẻ: Là địa phương có địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, ao, hồ, nhất là ở khu vực các xã vùng cao; trong khi trên địa bàn lại không nhiều các điểm vui chơi an toàn cho trẻ em nên nguy cơ trẻ bị tai nạn thương tích hoặc sa ngã vào các tệ nạn xã hội trong dịp hè rất cao. Nhận biết thực trạng đó, thời gian qua, Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể huyện đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích; xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động cho học sinh tham gia, nhất là trong dịp hè bởi sau khi trẻ trở về với gia đình thì không được nhà trường quản lý, chăm sóc. Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhất là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho phụ huynh học sinh về phòng, ngừa tai nạn thương tích cho trẻ, Ban Thường vụ Huyện đoàn cũng chỉ đạo đoàn các cấp thực hiện công trình thanh niên, xây dựng các biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở những khu vực ao, hồ, sông, suối... Từ đó, góp phần chung tay cùng với các cấp, các ngành ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa tình trạng tai nạn thương tích nói chung, tai nạn thương tích ở trẻ em nói riêng.

Tại huyện Mường Nhé, để phòng, chống tai nạn thương tích, hàng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản liên quan; tổ chức hoạt động truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin ở cơ sở; truyền thông trực tiếp tại các gia đình, trường học, cộng đồng theo chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng các bảng thông tin cảnh báo nguy hiểm về tai nạn thương tích trẻ em ở cộng đồng, trường học, trục đường giao thông, công trình xây dựng, ao hồ, sông suối... Theo bà Đỗ Thị Hà, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp tai nạn thương tích liên quan đến sự chủ quan, lơ là của phụ huynh; mà bài học gần nhất là trường hợp tại xã Chung Chải khiến cháu L. V. D. tử vong. Chính vì thế để công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đạt hiệu quả, cùng với nỗ lực của các cấp, ngành thì phụ huynh cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, không nên chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, có như thế mới bảo vệ được sức khỏe cho người thân, gia đình, góp phần cùng toàn xã hội chung tay phòng, chống tai nạn thương tích.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top