Xã hộiVì trẻ em

Mường Nhé chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

11:30 - Chủ Nhật, 01/08/2021 Lượt xem: 16696 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn huyện Mường Nhé hiện có trên 17.200 trẻ dưới 16 tuổi, trong đó có 322 trẻ khuyết tật, 55 trẻ em bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng sống trong gia đình hộ nghèo và cận nghèo, 50 trẻ được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng. Việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn huyện thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và nhà hảo tâm trong và ngoài huyện.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện sớm tình trạng xâm hại trẻ em, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT kịp thời; trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em khuyết tật đều được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên theo quy định. Đồng thời, phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh khám sàng lọc 111 trẻ khuyết tật tại huyện; hỗ trợ 7 trẻ em đi khám tim tại tỉnh; đưa 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào nuôi dưỡng tại Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ. Qua đó, đã kịp thời động viên các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé thăm hỏi, động viên gia đình cháu Sùng A Của, bản Nậm Là, xã Mường Nhé.

Các ngành chức năng của huyện thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em. Huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các xã triển khai đề án phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, huy động sức mạnh toàn dân chăm lo sự nghiệp giáo dục. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em; trẻ em được đi học đúng độ tuổi và tham gia các hoạt động Đoàn, Đội. Tại các xã biên giới, thông qua Chương trình “Nâng bước em đến trường” đến nay các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn đã nhận nuôi dưỡng, giúp đỡ hàng chục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chi phí học tập. Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã vận động hỗ trợ và tặng quà cho 57 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh Sùng A Páo - bố của cháu Sùng A Việt ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé xúc động tâm sự: “Gia đình tôi di cư từ Sơn La lên huyện Mường Nhé từ năm 2004 và định cư sinh sống tại đây. Gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông, không có thu nhập thêm nên hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà lại đông con, cháu Việt là con thứ 2, đã mấy năm nay cháu bị bại liệt không đi lại được, chân tay teo nhỏ lại, gia đình rất nghèo không có tiền cho cháu đi chữa trị được kịp thời. Hiện nay cháu Việt cũng đã được Nhà nước trợ cấp tiền hàng tháng để gia đình mua thuốc men cho cháu. Nhưng bây giờ cháu thứ 3 và thứ 4 nhà tôi cũng bắt đầu bị bại liệt không đứng lên đi lại được nữa, tôi lo một vài năm nữa cháu cũng lại bị như anh trai của cháu. Vì vậy tôi rất mong Nhà nước và các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để gia đình tôi có điều kiện cho 2 cháu về các cơ sở y tế tuyến trên để khám và điều trị bệnh”.

Cháu Sùng A Của, bản Nậm Là, xã Mường Nhé, năm nay đã 16 tuổi nhưng chỉ nằm bất động một chỗ, chân tay đều bị teo cơ, co quắp không vận động được. Gia đình thuộc diện khó khăn, hàng ngày bố mẹ cháu phải đi làm nương xa, mọi sinh hoạt cháu đều phải dựa vào bà ngoại. Nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho gia đình, hiện nay, Nhà nước trợ cấp cho cháu 650 nghìn đồng/tháng. Bà Thào Thị Dợ - bà của cháu Sùng A Của chia sẻ: “Cháu bị bệnh từ khi mới sinh ra, việc chăm sóc cháu rất vất vả. Gia đình cháu nghèo lắm, bố mẹ cháu thường đi làm nương xa nên tôi phải ở nhà để chăm lo cơm, nước cho cháu. Tôi rất lo vì năm nay đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu lắm rồi, không biết còn chăm cho cháu được bao lâu nữa...”.

Để nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, mỗi bậc phụ huynh cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong chăm sóc, quản lý và giáo dục trẻ em. Ngoài hoạt động thăm, tặng quà, rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn lực cho “Quỹ Bảo trợ trẻ em” để hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động xây dựng nhà an toàn, trường học an toàn, cải tạo môi trường sống đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

Bài, ảnh: Hoài Thứ
Bình luận
Back To Top