Xã hộiVì trẻ em

Cần quan tâm ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em

08:48 - Thứ Tư, 04/08/2021 Lượt xem: 16727 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng học sinh THCS, THPT bỏ học đi làm thuê, hầu hết là ngoài tỉnh vẫn xảy ra.

Môi trường giáo dục tốt cùng sự quan tâm của thầy cô, bạn bè đã giúp nhiều học sinh gắn bó với trường lớp, không nghỉ học đi làm ăn xa. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhà, huyện Điện Biên đọc sách tại thư viện nhà trường. Ảnh tư liệu

Tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực vùng cao, việc vận động học sinh đến lớp, vận động học sinh trở lại trường sau các kỳ nghỉ vẫn là công tác gặp nhiều khó khăn. “Chị không giữ được học sinh A/B/C rồi em ạ! Học sinh lại bỏ học đi làm ăn xa” - là lời than thở bất lực mà nhiều giáo viên từng thốt lên. Năm học vừa rồi, em Tòng Thị B., 13 tuổi, bản Món Hà, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) đang học dở lớp 8 cũng đã bỏ học để theo bạn bè đi làm ăn xa ở Hà Nam rồi Hưng Yên, với công việc theo em kể với gia đình qua điện thoại là phục vụ tại quán ăn. Chị Tòng Thị Đ., mẹ em B. cho biết: “Gia đình tôi cũng khuyên bảo cháu nên quay lại học, song cháu vẫn quyết nghỉ học đi làm, tôi không biết làm thế nào. Lúc đầu cháu bảo đi Hưng Yên làm cho quán ăn, sau một thời gian báo về gia đình là thay đổi chỗ làm nhưng không nói là làm việc gì”.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng, trong năm học 2020 - 2021, sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu và nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, trên địa bàn huyện có hơn 70 học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học, đi làm ăn xa có ở hầu hết các xã, song tập trung chủ yếu ở các xã: Búng Lao, Xuân Lao, Ẳng Nưa, Ngối Cáy và Mường Lạn.

Không riêng Mường Ảng mà tình trạng này xảy ra ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Ở nhiều nơi, giáo viên không chỉ gọi điện thuyết phục, tâm sự, đến tận nhà vận động, đưa học sinh trở lại trường mà còn phải rong ruổi tới thành phố và các điểm đón xe khách bên quốc lộ, bến xe để tìm học sinh. Thầy Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên) chia sẻ, hàng năm đều có những trường hợp học sinh nghỉ học đi xuống các tỉnh miền xuôi được thầy cô phát hiện, đưa trở về trường. Năm học 2019 - 2020, có 2 trường hợp là học sinh ở bán trú trong trường. Thầy Đỗ Cao Thượng kể lại: Giờ lên lớp nhưng tầm 9 giờ 30 phút - 10 giờ sáng, 2 em xin về khu bán trú. Đến giờ ăn cơm trưa thì không thấy các em đi ăn. Thầy cô cùng các bạn tìm không thấy, kiểm tra thì các em đã dọn đồ đạc đi, nguy cơ học sinh bị rủ đi chơi hoặc đi làm. Giáo viên trong trường liên lạc hỏi các xe khách chạy tuyến Mường Lói, Mường Nhà  - Điện Biên xác định được 2 em đã bắt xe ra thành phố. Cô giáo chủ nhiệm cũng nhanh chóng có mặt tại thành phố, thông qua các mối quan hệ, tìm kiếm các em khắp những nhà nghỉ xung quanh bến xe. Rất may 2 em thuê nhà nghỉ chờ xe khách chuyến buổi tối, nghe lời khuyên của cô mà quay trở lại trường. Sau đó các em kể, có người rủ đi làm ở dưới xuôi, xuống đến nơi sẽ đón và trả tiền xe cho”.

Học sinh trung học bỏ học đi làm ăn xảy ra ở nhiều khối lớp, tuy nhiên có không ít em mới chỉ là học sinh lớp 7, lớp 8. Một phần vì cuộc sống khó khăn, các em muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Có em thì bị rủ rê, dụ dỗ, cộng với tâm lý lười học, đua đòi khi thấy một số bạn bè, anh chị đi làm về, ăn mặc bóng bảy, tóc tai sành điệu. Các em cũng thường lựa chọn đi làm ăn ngoài địa bàn, đến các tỉnh xa như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng… Có cả những trường hợp xuất cảnh lao động trái phép sang nước bạn. Có lẽ vì vậy qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị liên quan; các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND 10 huyện, thị, thành phố tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng lao động trẻ em trái quy định pháp luật.

Hiện toàn tỉnh có trên 214.000 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong đó, hơn 70.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, hầu hết là trẻ sống trong hộ nghèo, cận nghèo. Những trường hợp này, nếu không được quan tâm hỗ trợ kịp thời rất dễ tham gia lao động sớm, lao động trái pháp luật. Những năm qua công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội để hạn chế tình trạng trẻ em tham gia lao động đã được chỉ đạo triển khai, nhưng vẫn chưa được dành nguồn lực xứng đáng, khó khăn về kinh phí thực hiện nên chỉ lồng ghép trong các hoạt động liên quan đến trẻ em. Trước thực trạng trên, các cấp, ngành, lực lượng chức năng cần quan tâm nhiều hơn nữa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý để không còn xảy ra những trường hợp như trên.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top