Xã hộiVì trẻ em

Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng

08:33 - Thứ Hai, 20/09/2021 Lượt xem: 15329 In bài viết

ĐBP - Không thể phủ nhận vai trò của internet mang lại những hiệu quả tích cực, giúp trẻ em có cơ hội học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội trên môi trường mạng. Tuy nhiên, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ. Trong đó, ngoài việc sử dụng internet thường xuyên dẫn đến tình trạng “nghiện”, thần kinh dễ bị bất ổn, còn có những thông tin, hình ảnh không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thậm chí, các em còn là đối tượng để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc… Điều này đã và đang trở thành thách thức đối với công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đây là trách nhiệm không chỉ với các bậc phụ huynh mà còn của cả xã hội.

Trên thực tế, thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những clip, livestream những nội dung phản cảm, như: Nấu cháo gà nguyên lông, nhốt em gái vào chuồng chó hay chỉ cách trộm tiền đi ăn chơi… Hay sự việc tài khoản mạng xã hội của Youtuber Thơ Nguyễn đầu năm 2021 đăng tải clip người này ôm một con búp bê, tay cầm sợi dây chuyền và tự giới thiệu là để “xin vía học giỏi” cho học sinh khiến cộng đồng mạng phản ứng gay gắt và cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 2197/KH-UBND về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm tạo hàng rào bảo vệ trẻ em trước tác động tiêu cực từ môi trường mạng. Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi tường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó, 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định; thực hiện phân loại nội dung phù hợp với các độ tuổi của trẻ em; triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em quản lý việc sử dụng ứng dụng, dịch vụ của trẻ em trên môi trường mạng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước khi để xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng gây hậu quả nghiêm trọng thuộc phạm vi quản lý. Sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nghiêm cấm mọi hình thức tạo lập, lưu trữ, chia sẻ với mục đích vi phạm pháp luật đối với các hình ảnh, video clip, trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục. Cùng với đó cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet. Đẩy mạnh các hình thức tư vấn hỗ trợ trẻ em thông qua tư vấn học đường; khuyến khích, thúc đẩy gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên chủ động, thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp hướng dẫn trẻ các kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Đưa vào sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng. Quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh; xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhà trường thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Không ai khác, gia đình chính là lá chắn bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả nhất.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top