Người tốt - việc tốt

Người uy tín tiêu biểu nỗ lực làm kinh tế

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 1299 In bài viết
ĐBP - Đến bản Đoàn Kết, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, hỏi thăm gia đình ông Lò Văn Pản, không ai là không biết. Bởi một lẽ, ngoài thời gian 15 năm làm trưởng bản, ông Pản còn là 1 trong 50 người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi được UBND huyện Điện Biên biểu dương, khen thưởng.

Ông Lò Văn Pản chăm sóc đàn vịt. Ảnh: Mai Nguyễn

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn 5 gian, Trưởng bản Lò Văn Pản trông trẻ hơn so với tuổi 56 của mình. Ông tâm sự: Bản thân luôn trăn trở với cái đói, cái nghèo. Năm 1999, khi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, kiêm Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân bản Đoàn Kết, rồi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ông càng quyết tâm tìm hướng thoát nghèo cho gia đình và người dân trong bản. Được tham dự nhiều lớp tập huấn về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông có điều kiện trau dồi kiến thức đem về áp dụng vào đồng đất quê hương. Bên cạnh đó, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình ông đầu tư ngăn suối đào 1.500m2 ao thả cá chép và trắm cỏ; cải tạo 2.000m2 ruộng 1 vụ thành 2 vụ. Tận dụng diện tích mặt nước, những năm tiếp theo ông mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 1.500 con vịt đẻ, thả thêm cá rô phi đơn tính, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, với hơn 5.000m2 ruộng nước 2 vụ, ông trồng nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu hoạch 7 – 8 tấn thóc, mang lại cho gia đình khoản thu nhập không nhỏ. Đối với diện tích đất ruộng 1 vụ không cải tạo được, ông chuyển sang trồng mía, ngô. Tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng trọt, ông chăn nuôi thêm lợn, gà, ngan… vừa để cung cấp thực phẩm sạch, vừa bán ra thị trường với giá trị cao. Sau một thời gian kiên trì, nỗ lực, kinh tế gia đình ông dần ổn định và bắt đầu có tích lũy. Với số vốn đó, ông mạnh dạn đầu tư mua máy phay, máy tuốt để làm dịch vụ phay tuốt thuê cho người dân trong bản. Đồng thời, mua 1 con trâu cái sinh sản, mỗi năm xuất bán 1 con nghé. Đến nay, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông để ra được 80 – 100 triệu đồng.

Noi gương ông Lò Văn Pản, người dân bản Đoàn Kết nỗ lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của bản giảm dần theo từng năm. Đến nay, bản Đoàn Kết chỉ còn 2 hộ nghèo, bản được UBND huyện công nhận là bản văn hóa cấp huyện năm 2013.

Mai Nguyễn
Bình luận
Back To Top