Chuyện buồn ở Nậm Nhừ

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 1534 In bài viết
ĐBP - Nhẹ dạ, cả tin, vì ham giàu sang, phú quý đã khiến bao gia đình phải lìa tan, con cái nheo nhóc, hạnh phúc đổ vỡ... đó là câu chuyện buồn ở vùng đất nghèo Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ. 

Chúng tôi đến Nậm Nhừ - xã mới chia tách thành lập từ xã Nà Khoa. Đường tới Nậm Nhừ không xa lắm nhưng những ổ trâu, ổ gà khiến quãng đường như dài hơn. Và như thường lệ, lẽ ra, cuối năm, đây là thời gian để người dân nghỉ ngơi, chuẩn bị đón một cái tết đầm ấm nhưng tiếng thở dài của Phó Chủ tịch UBND xã Kháng A Chinh khiến chúng tôi cảm nhận được Nậm Nhừ đang có chuyện buồn. Ông Chinh nói: Buồn lắm đồng chí ạ! Những năm trước, trên địa bàn xã chẳng xảy ra vụ nào phụ nữ bị lừa sang Trung Quốc, nhưng năm nay có 5 trường hợp rồi. Để tôi dẫn đồng chí nhà báo xuống làm việc với Ban Công an xã, đồng chí sẽ rõ.

Năm qua, Nậm Chua 3 có 3 phụ nữ bị dụ dỗ lấy chồng Trung Quốc, trong đó, 1 trường hợp đã được giải cứu. Trong ảnh: Góc bản nghèo Nậm Chua 3, xã Nậm Nhừ.

Vừa uống nước, vừa làm việc với anh Vàng A Thào, Trưởng Công an xã Nậm Nhừ, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết, năm qua, xã có tới 5 người bị lừa sang Trung Quốc. Họ đều là phụ nữ trong độ tuổi từ 18 – 24. Như lời anh Thào, thông tin của gia đình có người thân vượt biên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn họ “sang Trung Quốc lấy chồng giàu có”. Mà không chỉ phụ nữ chưa chồng, đến người có chồng rồi cũng đi. Chẳng biết họ nghe ai xúi giục, cứ vậy là đi, đi rồi gia đình mới phát hiện và báo cho công an xã. Không có dịp gặp trực tiếp Thào Thị Sua, 22 tuổi, bản Nậm Chua 3 – cô gái từng suýt bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc (hiện đã về Lào Cai lập gia đình), nhưng qua kết nối của Trưởng Công an xã, chúng tôi được trò chuyện với Sua qua điện thoại. Sua là người duy nhất trong số 5 trường hợp bị lừa được giải cứu. Sau một hồi chuông dài, giọng người phụ nữ Mông ngập ngừng lên tiếng. Thế nhưng, khi tôi bắt đầu hỏi thăm về tên, tuổi của Sua, Sua đã vội tắt máy. Có lẽ nghe giọng người lạ nên em sợ. Và phải khi nhờ đến anh Thào, cuộc trò chuyện với Sua mới được diễn ra.

Sua kể lại chuyện buồn của 8 tháng về trước: Sợ lắm, lúc ấy mình có quen một thanh niên lạ mặt cũng người Mông. Nó lấy số điện thoại rồi về gọi nói chuyện. Mấy hôm sau nó bảo “có muốn lấy chồng giàu không?” mình đồng ý. Ngày hôm sau mình bắt xe đi Sơn La. Gặp nó ở Sơn La, nó chở vào nhà nghỉ, nó nói: Đi lấy chồng Trung Quốc, tha hồ sướng, thích gì cũng có, không lo thiếu ăn, thiếu mặc mà chẳng phải làm gì. Nghe nó nói xong, ban đầu mình mừng lắm, nhưng một lúc sau tự nhiên thấy sợ. Mình gọi điện về nhà kể hết mọi chuyện. Chỉ địa điểm mình đang ở, rồi khoảng hơn 1 tiếng sau thì thấy thằng kia bị công an bắt. Công an bảo nó lừa mình để bán sang Trung Quốc. Mình sợ quá, lần sau không dám đi đâu xa nhà nữa. Nghe xong cuộc nói chuyện của Sua cùng anh Vàng A Thào, chúng tôi thấy buồn vì nhận thức của một số người dân nơi đây còn hạn chế. Vì nhẹ dạ, cả tin mà suýt trở thành nạn nhân trong vụ buôn bán người của kẻ xấu. Chưa để chúng tôi tiếp tục câu chuyện, anh Thào đã cắt lời: Trong các vụ này, em Thào Thị Sua là trường hợp duy nhất may mắn thoát khỏi “hang cọp”, còn 4 người khác đến giờ vẫn “biệt vô âm tín”. Không biết cuộc sống của họ bên xứ người giờ đây thế nào...

Chẳng biết giàu sang, phú quý, cũng không hay cuộc sống ra sao... khi lưu lạc phía bên kia biên giới nhưng những người phụ nữ ấy có lẽ họ không biết rằng, hạnh phúc gia đình ở quê nhà mà chính bàn tay họ dày công vun vén giờ đây đang từng ngày rạn nứt. Bởi có 3 trong 4 người phụ nữ ấy họ đã có chồng và con. Vàng Thị Dính ở bản Nậm Chua 3 là người đã lập gia đình và có 1 bé gái 3 tuổi. Cuộc sống nghèo khó, lam lũ khiến Dính nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu, đi tìm chồng mới. Ngồi trong căn nhà gỗ tuềnh toàng của anh Thào A Sinh (chồng Dính), thi thoảng những cơn gió đông của tháng 12 rít qua khe cửa khiến chúng tôi co ro vì lạnh. Đưa mắt xung quanh nhà Sinh, chúng tôi chẳng thấy thứ gì giá trị, có chăng cái giường là đẹp nhất bởi nó được đóng kiên cố, có nhiều nếp hoa văn bắt mắt. Hơn nữa, đó cũng là nơi vun vén, giữ lửa hạnh phúc khi 2 vợ chồng còn bên nhau.

Trong tiếng thở dài, Thào A Sinh bảo: Nó đi lấy chồng bên Trung Quốc rồi. Nó đi sang bên ấy, nó sướng thân nó, nó để mình với con ở lại. Lúc nó đi, nó không nói gì. Hai, ba ngày sau nó gọi điện về cho bố mẹ mới biết nó đi lấy chồng bên kia. Hỏi về hoàn cảnh gia đình, Sinh nói: Cán bộ ơi, nhà mình khó khăn lắm. Làm mấy cái nương trồng ngô, trồng lúa nhưng không đủ ăn đâu. Năm được mùa thì đủ ăn, mất mùa thì lại đói. Vất vả thế nên con Dính nó mới bỏ đi lấy chồng hai đấy. Giờ còn mình với con, buồn lắm. Từ ánh mắt, giọng nói đến những tiếng thở dài của Thào A Sinh khiến căn phòng yên ắng càng trở nên tĩnh lặng hơn. Nỗi buồn đó, có lẽ chúng tôi cũng cảm nhận và cảm thông với người chồng, người cha như Sinh. Mà chẳng riêng Sinh, trong nỗi buồn ấy, nó không những vượt ra khỏi không gian của những gia đình có người vợ, người mẹ, người con bị lừa sang phía bên kia biên giới mà nó còn phủ kín cả một vùng đất nghèo ở Nậm Nhừ.

Giờ đây, cuộc sống của những người phụ nữ bên xứ người chưa biết thế nào nhưng có một sự thật đau lòng đang hiện hữu trong những ngôi nhà họ đã dứt áo ra đi, đó là cảnh chồng mất vợ, con mất mẹ và hạnh phúc gia đình đang dần sụp đổ.

Chúng tôi rời Nậm Nhừ khi niềm tin về một Nậm Nhừ nghèo khó vẫn còn. Bởi trước lúc ra về, cả Phó Chủ tịch UBND xã Kháng A Chinh và Trưởng Công an xã Vàng A Thào cùng thể hiện sự quyết tâm, bằng mọi cách, dù là vận động hay tuyên truyền, thế nào chăng nữa, thời gian tới, sẽ kết hợp với cơ quan chức năng từ huyện đến cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể ngăn chặn triệt để, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên. Để chuyện buồn không còn lặp lại ở Nậm Nhừ.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top