Thực hiện công tác dân số ở Pú Hồng

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 1082 In bài viết
ĐBP - Nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của xã, những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở Pú Hồng (Điện Biên Đông) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.

Tuy nhiên, với đặc thù là địa bàn có nhiều dân tộc sinh sống: Mông, Lào, Thái, Khơ Mú (dân tộc Mông chiếm 60%), nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch còn hạn chế. Cùng với đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ, thích đẻ nhiều con vẫn tồn tại… khiến việc thực hiện công tác dân số trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm so với năm 2013 (năm 2013, là 29,8%), 9 tháng năm 2014 giảm xuống còn 25%, song vẫn còn cao.

Ngoài công tác khám, chữa bệnh, Trạm Y tế xã Pú Hồng còn lồng ghép, tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân nhằm nâng cao chất lượng dân số. Trong ảnh: Cán bộ y tế xã Pú Hồng giới thiệu các biện pháp tránh thai cho người dân đến khám, chữa bệnh tại Trạm y tế.

Ông Lò Văn Hiền, cán bộ chuyên trách dân số xã Pú Hồng, cho biết: Là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Ban Dân số xã đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ cho người dân. Đồng thời, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền thực hiện công tác DS-KHHGĐ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp với trạm y tế tổ chức tuyên truyền, kết hợp với làm dịch vụ tại chỗ khi người dân có nhu cầu. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… lồng ghép trong các cuộc họp thôn, bản được Ban Dân số xã đặc biệt quan tâm. 9 tháng năm 2014, Ban Dân số xã đã tổ chức được 182 buổi truyền thông về DS-KHHGĐ cho nhân dân 17 bản.

Do địa bàn rộng, dân cư đông với trên 4.900 khẩu, công tác DS-KHHGĐ của xã vài năm gần đây đang gặp một số khó khăn về thực hiện các chỉ tiêu dân số, như: việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ chưa đạt chỉ tiêu, nhiều người dân chưa hiểu đầy đủ về Pháp lệnh Dân số; tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân... Hiện nay, tổng số trẻ sinh ra trong năm là 96 trẻ (trong đó, trẻ là con thứ 3 trở lên là 24 trẻ); tỷ số giới tính còn cao: 110 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ông Lò Văn Hiền cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó, nguyên nhân chính là kinh tế của người dân còn nghèo (tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 59,7%), trình độ học vấn không đồng đều, ít kiến thức, hiểu biết về sức khoẻ sinh sản. Đặc biệt, còn tồn tại quan niệm “trời sinh voi, sinh cỏ”, “đông con cháu cho vui cửa vui nhà”, muốn có con trai để nối dõi tông đường và để có nguồn lao động, nên đa số các gia đình đều muốn sinh nhiều con. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ, thù lao cho cộng tác viên dân số còn thấp trong khi địa bàn rộng, đi lại khó khăn.

Tình trạng gia tăng dân số cũng như tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao là rào cản lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Pú Hồng, làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Thời gian tới, để từng bước nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu đến mức thấp nhất việc gia tăng dân số và mất cân bằng giới tính, theo ông Lò Văn Hiền, cần thực hiện nhiều biện pháp thiết thực, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về sức khỏe sinh sản, sử dụng các biện pháp tránh thai hợp lý, đúng cách. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo cũng góp phần giúp công tác dân số đạt hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần nâng mức hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản để huy động họ tham gia tích cực hơn, hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền.

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top