Mịt mờ phận gái lấy chồng nơi xứ người

00:00 - Thứ Ba, 20/01/2015 Lượt xem: 1219 In bài viết
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Những năm gần đây, việc phụ nữ người dân tộc thiểu số nghe theo lời dụ dỗ của những đối tượng lạ, trốn sang Trung Quốc lấy chồng đã trở thành vấn đề đáng lo ngại ở nhiều địa bàn vùng cao của tỉnh Điện Biên. Xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cũng đang diễn ra tình trạng như vậy. Trong 2 năm (2013 – 2014) đã có 15 cô gái bỏ quê hương bản quán đi lấy chồng bất hợp pháp mà không có liên lạc gì về với gia đình. Không ai biết hiện giờ các cô đang ở đâu, cuộc sống sẽ như thế nào?

Tình trạng này bắt đầu xuất hiện tại Tả Sìn Thàng từ năm 2010 với 1 đến 2 trường hợp mỗi năm. Nhưng từ năm 2013 đến nay, số phụ nữ sang bên kia biên giới bất ngờ tăng cao. Năm 2014 có 7 trường hợp. Hầu hết người đi đều là thiếu nữ dân tộc Mông chưa lập gia đình, độ tuổi 17-30, tập trung chủ yếu ở các thôn: Tà Chinh, Páo Tỉnh Làng 1, Háng Sùa. “Điểm chung giữa các trường hợp là các cô đều trốn gia đình đi mà trước đó không có biểu hiện, thái độ gì lạ. Sau vài ngày, vài tuần hoặc cả tháng mới gọi điện về báo rằng đang ở cửa khẩu, đã có người đón sang Trung Quốc lấy chồng. Tất cả các cô hầu hết ít va chạm xã hội, trình độ học vấn thấp và dễ tin người. Vì vậy bằng những lời đưa đẩy, dụ dỗ sang bên kia lấy chồng sẽ sung sướng, không phải vất vả làm nương ngô, nương lúa, nhiều chị đã em tin và nghe theo mà không biết mình có thể đối mặt với những nguy hiểm, rủi ro như thế nào” – Ông Giàng A Lù, Trưởng công an xã Tả Sìn Thàng cho chúng tôi biết.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm đến gia đình ông Giàng A Vàng, thôn Tà Chinh theo địa chỉ của Trưởng công an xã cung cấp. Qua câu chuyện với vợ ông Vàng, chúng tôi được biết gia đình có 2 cô con gái là: Giàng Thị Se và Giàng Thị Dợ cùng bỏ nhà đi gần 4 năm nay mà không có bất kỳ liên lạc nào về cho gia đình. “Cả nhà đi hỏi, tìm khắp những nơi quen biết trong, ngoài xã nhưng đều không có tin tức gì. Người ta bảo chắc các chị ấy sang Trung Quốc lấy chồng rồi, gia đình cũng chỉ biết vậy, nhiều năm rồi nên cũng không ai đi tìm nữa” – cô con dâu út của gia đình ông Vàng nói với chúng tôi, rồi chỉ tay sang nhà phía bên, cho biết: “Bên ấy cũng có con gái mới đi từ đầu năm”.

Theo chỉ dẫn ấy, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà ông Chang A Cháng, thôn Háng Sùa. Con gái ông là Chang Thị Mỵ, mới hơn 20 tuổi, bỏ nhà đi từ tháng 3/2014. Ông Cháng chia sẻ: “So với các hộ trong bản, gia đình tôi làm khá nhiều ruộng, nương nhưng các thành viên trong gia đình đều cùng nhau san sẻ công việc. Ở nhà, Mỵ không kêu ca, than vãn bao giờ. Một hôm nó đi rồi không thấy về, mấy ngày sau gọi điện về bảo đi lấy chồng rồi, đang ở cửa khẩu chuẩn bị qua biên giới thì gia đình mới biết. Nhưng từ cuộc điện thoại ấy đến giờ cũng không có tin tức gì nữa, không có số điện thoại, địa chỉ gì để liên lạc với con gái. Không biết chồng nó thế nào. Bây giờ sướng, khổ ra sao”.

Hầu hết các trường hợp bỏ đi đều không liên lạc gì về với gia đình trừ cuộc gọi thông báo duy nhất. Nhưng có một trường hợp có thể gọi là may mắn hơn cả, đã 1 lần quay trở về thăm gia đình, đó là chị Hạng Thị Dia, thôn Tà Chinh. Dia sinh năm 1987, đã đi lấy chồng Trung Quốc 2 năm không có tin tức gì cho đến đầu năm 2014, chị đột ngột một mình về thăm gia đình vài hôm rồi lại vội vàng đi, chỉ cho bố mẹ biết là mình đã lấy chồng và hai vợ chồng làm nghề trồng chuối. Thông tin vỏn vẹn chỉ có vậy, bố mẹ Dia không biết cuộc sống của Dia có tốt không, không biết địa chỉ hay thông tin về nơi Dia sinh sống. Ông Hạng A Sở, bố của Dia nói chuyện với chúng tôi với ánh mắt đầy ưu tư. Vợ chồng ông bà chỉ còn biết chờ đợi, ngày ngày mong ngóng và hy vọng một ngày nào đó đứa con gái lại đột ngột trở về thăm bố mẹ.

Hiện nay, gần như tất cả các gia đình có con gái mất tích đều không trình báo với chính quyền hay cơ quan chức năng, bởi họ chỉ nghĩ đơn giản con gái mình đã đi lấy chồng nơi đất khách quê người thì không cần trình báo nữa. Do nhận thức và sự hiểu biết của người dân còn hạn chế, cùng với địa hình đi lại khó khăn nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc nắm bắt thông tin cũng như công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương. Vừa qua, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng công an và các tổ chức chính trị xã hội mở những buổi tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân về phòng chống buôn bán người tại thôn Tà Chinh, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông… cho cả giáo viên, phụ huynh, học sinh, đặc biệt là các trẻ em gái. Một triển lãm tranh ảnh về các thủ đoạn buôn bán người, chung tay chấm dứt buôn bán người cũng được tổ chức tại chợ phiên Tả Sìn Thàng thu hút sự chú ý của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Mong rằng, với những nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền như trên, nhận thức và sự cảnh giác của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ được nâng lên và sẽ không còn những cô gái nhẹ dạ cả tin, trốn nhà theo những người xa lạ, để lại bao lo lắng, trông chờ cho người thân ở lại.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top