Lao động tự do - Nỗi lo mất an toàn lao động

00:00 - Thứ Tư, 21/01/2015 Lượt xem: 1278 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Lao động tự do (LĐTD) thường là những người lao động kiếm tiền bằng công việc chân tay nặng nhọc, bằng sức khỏe của bản thân. Không hợp đồng lao động, không bảo hiểm y tế, không bảo hộ lao động (BHLĐ), không được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, thế nhưng họ vẫn hàng ngày, hàng giờ chấp nhận làm việc tại những môi trường lao động không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn để mưu sinh.

Tại Điện Biên, lực lượng LĐTD chủ yếu tập trung ở khu vực lòng chảo TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên - 2 địa bàn kinh tế phát triển, dễ kiếm việc làm. Đa số họ đều có chung hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghề nghiệp không ổn định. Có những người sống tại các xã, bản quanh lòng chảo, khi công việc đồng áng kết thúc cũng tranh thủ tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Với họ, hầu như không có sự lựa chọn cho công việc, làm gì cũng được, miễn là có tiền. Công việc có nhiều LĐTD tham gia chủ yếu ở 2 ngành: xây dựng và giao thông, bởi trong các lĩnh vực này có rất nhiều việc để làm. Từ bốc vác xi măng, gạch, ngói đến trộn vữa, dọn vật liệu xây dựng, đào móng… tất cả đều có sự tham gia của lực lượng LĐTD. Nhiều người có chút tay nghề xây dựng, mối quan hệ thì tự hình thành nên các nhóm thợ xây, nhận các công trình xây dựng nhà ở để làm. Số khác thì tập trung lại thành các “chợ người”, chờ những ai có nhu cầu đến thuê thì làm. Tại TP. Điện Biên Phủ, “chợ người” LĐTD tấp nập nhất thuộc khu vực Nghĩa trang liệt sỹ A1, phường Mường Thanh. Tại đây luôn có khoảng từ 20 – 30 LĐTD trực chờ và sẵn sàng làm tất cả các công việc nặng nhọc nhất.

Chứng kiến cảnh các LĐTD đang thi công một công trình nhà ở trên đường Võ Nguyên Giáp, khu vực tổ dân phố 8, phường Tân Thanh, chúng tôi mới thấy được những “lỗ hổng” về an toàn lao động ở đây. Dưới cái nắng gay gắt, ai cũng đầu trần, đứng ngả nghiêng trên các giàn giáo chông chênh chằng buộc tạm bợ với nhau chỉ bằng thân tre, tấm gỗ mỏng. Người xây, người trát, người thì tung gạch. Những viên gạch bay vèo vèo qua lại giữa không trung, và không ai trong số đó có bảo hộ lao động. Anh Nguyễn Văn Hiến, 10 năm làm nghề thợ xây, cư trú tại xã Thanh Luông, đang thi công tại công trình cho biết: “Khi nhận công trình, chúng tôi cũng chỉ biết lao vào làm việc để kiếm tiền. Kiến thức về an toàn lao động thì không có ai dạy, mà bận nên cũng chẳng có thời gian đi học, chủ yếu là anh em truyền tai nhau kinh nghiệm để giảm tai nạn rủi ro trong khi làm việc, nhất là lao động trên cao. Bảo hộ lao động thì găng tay với mũ cối là cũng tạm được rồi”.

Lao động tự do thi công công trình nhà ở trên đường Võ Nguyên Giáp, TP. Điện Biên Phủ.

Dạo một vòng quanh TP. Điện Biên Phủ, cũng không khó để bắt gặp thêm những cảnh tượng như trên ở cả công trình xây dựng tư nhân lẫn Nhà nước. Thực tế cho thấy, rất ít công trình được trang bị giàn giáo bằng khung thép chắc chắn, nhiều công trình chỉ sử dụng gỗ tạp, tre, lót thêm vài tấm ván làm chỗ đi lại. Chỉ cần một chút sơ sẩy là người lao động sẽ phải chịu hậu quả rất lớn. Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cũng không được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Có chăng, chỉ dừng lại ở việc trang bị cho bản thân một số dụng cụ đơn giản như: áo quần, găng tay, khẩu trang… Khi được hỏi, nhiều LĐTD cho biết cũng không phải họ không muốn mua sắm bảo hộ để đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình lao động, mà bởi không biết mua ở đâu, mua loại gì thì đảm bảo. Thêm vào đó đồng lương họ nhận được từ các công việc này quá thấp, chưa đủ chi trả cho sinh hoạt gia đình nên phải hạn hẹp chi tiêu. Trung bình mỗi LĐTD sẽ nhận được tiền công khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Qua tìm hiểu, tại các công trình xây dựng hiện nay chủ yếu là những người làm việc theo thời vụ. Đa số họ không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm y tế, làm việc theo thỏa thuận với chủ công trình. Có khi, trong các lao động này là những người thân quen, anh em với người đứng chủ công trình nên mọi việc họ cứ xuề xòa với nhau, miễn là làm công xong có lương là được.

Thống kê của Phòng An toàn (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội) cho thấy, trong năm 2014 toàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm 4 người bị thương. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số mà các đơn vị, công ty xây dựng trên địa bàn có lao động bị thương thống kê gửi về chứ chưa phải con số thực tế ghi nhận được. Minh chứng cho thấy, vào ngày 5/8/2014, tại số nhà 289, tổ 23, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã xảy ra vụ tai nạn sập giàn giáo nghiêm trọng làm 2 người tử vong. Tuy nhiên trong báo cáo thống kê số vụ tai nạn, số người chết và bị thương của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thì số người chết là bằng 0. Những con số sai lệch này cho thấy vấn đề quản lý an toàn lao động vẫn chưa thực sự được quan tâm.

Ông Bạch Tùng Dương, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết: Hiện rất khó để có thể thống kê chính xác số lượng LĐTD đang có trên địa bàn, bởi không biết phải dựa vào cái gì để quản lý. Đa số họ là những người làm thuê theo thời vụ, không có chế độ bảo hiểm, không có hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động cũng chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chưa thực sự quan tâm vấn đề an toàn cho người lao động. Việc đảm bảo các chế độ, chính sách hiện nay cho LĐTD cũng được xem là vấn đề nan giải, bởi ngay cả trong Bộ luật Lao động hiện nay cũng chưa có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi của LĐTD. Mặc dù chưa thống kê được cụ thể, song lực lượng LĐTD trên địa bàn được đánh giá chiếm số lượng tương đối lớn và cũng chưa hề có cơ quan nào chính thức chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo và huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho nhóm đối tượng này.

Để bảo vệ an toàn tính mạng cũng như sức khỏe cho chính mình, thay vì chờ đợi Nhà nước có những chính sách cụ thể thì những người LĐTD cũng nên tự nâng cao ý thức, tìm hiểu Bộ luật Lao động làm căn cứ tự bảo vệ mình trước khi nhận lời làm việc cho bất kỳ tổ chức, đơn vị nào. Hằng ngày, hàng giờ, tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, những LĐTD vẫn đang gồng mình “chèo chống” với khó khăn trong công việc để mưu sinh. Nếu như không có sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như của toàn xã hội thì biết đến bao giờ quyền lợi của những LĐTD mới được đảm bảo? Và biết đến bao giờ mới ngăn chặn được những tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra?.

Bài, ảnh: Vũ Lợi
Bình luận
Back To Top